2019: Năm tăng trưởng mạnh của ngành viễn thông Việt Nam
5G, chuyển mạng giữ số, SIM rác chính là những điểm nóng của ngành viễn thông trong năm qua. Đáng chú ý khi viễn thông Việt Nam vẫn tăng trưởng rất mạnh dù các dịch vụ viễn thông truyền thống đã bão hòa.
Viễn thông bùng nổ, nộp ngân sách tăng gần 40%
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam năm 2019 đạt 470.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Đáng chú ý khi tổng nộp ngân sách ngành viễn thông trong năm qua là 47.000 tỷ đồng, tăng tới 36,8% so với năm 2018.
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, những con số này đã cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ của toàn ngành trong suốt năm vừa qua. Đây cũng là chỉ dấu cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong bối cảnh các dịch vụ viễn thông truyền thống đã ở trạng thái bão hòa.
Sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của ngành viễn thông và CNTT đã góp phần giúp cải thiện rõ rệt thứ bậc Việt Nam trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (tăng 10 bậc về chỉ số GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành viễn thông vẫn còn đó những vấn đề tồn tại như khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, một số quy định đã lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của lĩnh vực. Đây chính là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển chung của toàn ngành.
Có một điều đáng buồn là doanh thu dịch vụ di động hiện vẫn dựa chủ yếu vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại và tin nhắn SMS (chiếm 76,6% doanh thu). Bên cạnh đó, việc cạnh tranh quá mức trên thị trường đã dẫn tới sự tồn tại của những hệ lụy như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác và vấn nạn quảng cáo, lừa đảo trên mạng di động.
Tròn 1 năm triển khai chuyển mạng giữ số
2019 cũng là khoảng thời gian chứng kiến tròn 1 năm triển khai dịch vụ chuyển mạng di động mặt đất giữ nguyên số thuê bao. Đây là dịch vụ cho phép thuê bao di động chuyển đổi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (nhà mạng) trong khi vẫn giữ được số điện thoại (bao gồm cả mã mạng và số thuê bao).
Hiện tại, dịch vụ này đã áp dụng với tất cả các thuê bao của Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, bao gồm cả thuê bao trả sau và thuê bao trả trước.
Đã từng có thời điểm, nhiều người dân cảm thấy bất bình trước sự khó khăn khi đăng ký chuyển mạng. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi thời gian chuyển mạng kéo dài, nhiều thuê bao yêu cầu chuyển nhiều lần nhưng vẫn không được, điều kiện chuyển mạng chưa rõ ràng, quy trình nghiệp vụ còn nhiều điểm chưa hoàn thiện…
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ chuyển mạng thành công đã tăng đáng kể so với thời điểm ban đầu khi mới triển khai dịch vụ này. Sau hơn 1 năm triển khai, đã có 1 triệu thuê bao chuyển mạng thành công, đạt tỷ lệ hơn 82% số thuê bao đăng ký chuyển mạng.
Đánh giá của Cục Viễn thông cho thấy, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao đã trở thành động lực cho các doanh nghiệp di động tăng cường năng lực cạnh tranh. Thay vì chỉ cạnh tranh về giá như trước kia, giờ đây các nhà mạng phải cạnh tranh lẫn nhau cả về chất lượng dịch vụ và việc chăm sóc khách hàng. Điều này sẽ giúp nâng cao trải nghiệm sử dụng và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dùng di động.
Quyết liệt xử lý xong 17 triệu SIM rác
Trong năm 2019, Bộ TT&TT đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.
Quan điểm của Bộ TT&TT là người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu còn tồn tại SIM rác. Nếu như còn tồn tại SIM rác ở nhà mạng nào, nhà mạng đó sẽ không được cấp phép triển khai các dịch vụ mới.
Đầu tháng 10/2019, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản chỉ đạo các Sở TT&TT 63 tỉnh, thành phố về việc phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường nhằm tiến hành thanh tra diện rộng việc quản lý thông tin thuê bao di động trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, các Sở TT&TT sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.
Sau những hành động quyết liệt trên, lượng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đã giảm 17 triệu SIM so với thời điểm tháng 10/2018. Ước tính, trên toàn thị trường hiện còn khoảng 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông, chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động. Số lượng phản ánh tin nhắn rác cũng giảm trên 90%.
Cấp phép thử nghiệm, tiến tới thương mại hóa 5G
Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm tiến tới việc theo mại hóa 5G vào năm 2020. Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cho cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone để bắt đầu thử nghiệm công nghệ 5G tại một số thành phố lớn.
Việc thử nghiệm 5G đến nay đã đạt được những kết quả tương đối tích cực. Trong quá trình thử nghiệm, thông lượng 5G ghi nhận đạt khoảng 80-90% tốc độ 5G lý thuyết với cả 2 dải tần số mmWave và C-Band.
Đáng chú ý khi một nhà mạng trong nước đã tìm ra được bộ lọc có thể ngăn ngừa hiện tượng nhiễu vệ tinh giữa tín hiệu 5G với trạm mặt đất khi sử dụng chung băng tần C (C-Band). Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề lựa chọn tần số để quy hoạch cho 5G nhằm chuẩn bị cho việc thương mại hóa.
Bên cạnh việc thử nghiệm mạng lưới, nhiều doanh nghiệp Việt đang lên kế hoạch sản xuất chip dùng cho mạng lõi 5G, các thiết bị IoT, nghiên cứu, phát triển điện thoại và các thiết bị viễn thông 5G.
Việt Nam xác định sẽ không đi chậm so với các nước trong quá trình phát triển 5G. Vào năm 2020, khi thế giới tuyên bố chuẩn 5G, Việt Nam cũng sẽ chính thức thương mại hóa 5G, thậm chí là bằng các thiết bị tự sản xuất.