2020: Năm bản lề của kinh tế Nam Phi (Phần 2)
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhận định rằng kinh tế Nam Phi sẽ trải qua 'tăng trưởng thấp trong năm 2020 - dưới mức tăng trưởng dân số trong năm thứ sáu liên tiếp'.
* 5 trụ cột của nền kinh tế
Do đó, 2020 sẽ là năm bản lề đối với bức tranh tổng thể của kinh tế và tài chính Nam Phi, nếu sự phục hồi kinh tế được thúc đẩy, tạo ra nhiều việc làm hơn, tài chính công được kiểm soát và niềm tin kinh doanh được nâng lên.
Nghĩa là, Nam Phi có ít nhất 5 trụ cột tổng thể để mang lại triển vọng kinh tế tốt hơn vào năm 2020, nếu Chính phủ nước này có một cách tiếp cận chủ động.
Thứ nhất, cần sự khẩn trương hơn trong ban hành quyết định, đặc biệt là liên quan đến Eskom. Mặc dù một số chính sách cải cách và dự án mới đã được công bố, Chính phủ Nam Phi cần khẩn trương hơn trong ban hành quyết định chính thức.
Nam Phi cần đẩy nhanh cải cách để thúc đẩy tăng trưởng giúp nước này thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp” hiện tại. Với Nam Phi, thời gian hiện là điều cốt yếu.
Tình trạng Eskom cắt điện luân phiên vẫn có thể tiếp diễn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hiệu quả hoạt động kinh tế, đặc biệt là khi hoạt động kinh doanh bình thường tiếp tục vào tháng Một này. Đảm bảo an ninh năng lượng là ưu tiên cấp bách và trước mắt nhằm lấy lại niềm tin của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Thứ hai, Nam Phi không thể tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “chính sách như thông thường”. Cả Thông điệp quốc gia (SONA) và Báo cáo Ngân sách dự kiến vào tháng Hai tới phải cho thấy các quyết định quyết đoán vốn rất cần thiết để xoay chuyển nền kinh tế đang được thực hiện và sẽ thực sự được thực hiện.
SONA 2020 không chỉ là lập danh mục “công việc đang thực hiện” mà còn phải truyền đạt ý thức mạch lạc về định hướng kinh tế Nam Phi. Hội đồng tư vấn kinh tế (EAC) mới được Tổng thống Nam Phi bổ nhiệm có thể đóng vai trò tư vấn sớm và hữu ích trong nhiệm vụ này. Tuy nhiên, không hề có công thức kỳ diệu.
Chẳng hạn, những gì cần thiết cho ngân sách là sự trở lại các nguyên tắc cơ bản của kỷ luật tài khóa và lập kế hoạch ngân sách hợp lý. Bên cạnh đó, cần phải kiềm chế sự phụ thuộc của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) vào sự tài trợ và cứu trợ của chính phủ, cũng như kiểm soát mức nợ công đang ngày tăng cao.
Về cơ bản, tình hình hiện nay của Nam Phi không còn là “kinh doanh như bình thường” hay “chính sách như bình thường”. Do đó, cần phải kiểm soát tình trạng phe phái chính trị trong đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền nhằm đảm bảo lợi ích nhất quán trong hoạch định chính sách.
Thứ ba, đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách và dự án. Để xóa bỏ gót chân Achilles của nền kinh tế Nam Phi, cần phải cải thiện hiệu quả triển khai trong hoạt động kinh tế.
Ngay từ đầu năm 2020, Nam Phi cần tạo một nền tảng hữu ích tập trung vào việc tổ chức “Triển lãm kinh tế thương mại” của Hiệp hội kinh doanh Nam Phi (BUSA) với cơ quan hữu quan của chính phủ với chủ đề “Khởi động kết quả thực tế” vào giữa tháng Một này.
Nỗ lực hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân tiếp tục là cần thiết để góp phần vượt qua những hạn chế cố hữu trong tăng trưởng và cải cách của Nam Phi mà nếu chỉ riêng chính phủ hay giới doanh nghiệp hoặc người lao động riêng rẽ không thể tự giải quyết vấn đề này.
Thứ tư, triển khai các bước phù hợp nhằm hạn chế sự thiếu chắc chắn về chính sách và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư. Để giảm sự không chắc chắn về chính sách và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, Chính phủ Nam Phi cần thể hiện ý thức rõ ràng và nhất quán về phương hướng động lực tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm 2020.
Kế hoạch tăng trưởng của Kho bạc Nhà nước được công bố vào tháng 8/2019 khuyến nghị rằng các nguyên tắc cơ bản về tăng trưởng toàn diện, chuyển đổi kinh tế và khả năng cạnh tranh cần được tăng cường ngay để có thể đạt được những lợi ích hữu hình sau này.
Các biện pháp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế theo hướng trên bao gồm liên tục thực thi các biện pháp kích thích tăng trưởng đồng thời tạo thêm nhiều việc làm như đã đề xuất, tái cấu trúc tài chính công, nhanh chóng ổn định và tái cấu trúc Eskom, quyết liệt thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng và định hướng xây dựng các mối quan hệ lao động tốt.
Thứ năm, cần có sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và khả năng điều hành kinh tế khéo léo. Nam Phi vẫn đang chờ đợi quyết định xếp hạng tín nhiệm của hãng Moody – hãng quốc tế duy nhất còn xếp hạng đầu tư đối với Nam Phi dù đánh giá triển vọng tiêu cực.
Quyết định của Moody giống như đặt nền kinh tế Nam Phi ở tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi rất nhiều khả năng cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm đầu tư quốc tế sẽ hạ mức đầu tư của “đất nước Cầu Vồng” xuống mức “rác” – không đáng đầu tư.
Nhìn chung, 2020 sẽ là năm rất quan trọng để Nam Phi có thể đạt được mục tiêu đầy thách thức là một nền kinh tế lớn hơn, mạnh hơn và tốt hơn - điều này sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và sự điều khiển kinh tế khéo léo để hướng lái thành công nền kinh tế./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/2020-nam-ban-le-cua-kinh-te-nam-phi-phan-2-/144578.html