2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, chờ những hy vọng từ COP28?

Sau 6 tháng phá kỷ lục nắng nóng liên tiếp, năm 2023 được coi là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Nhưng tại hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc ở Dubai, các bên vẫn còn đang tranh luận về việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trái đất đã thiết lập các kỷ lục nhiệt mới trong 6 tháng liên tiếp, đưa hành tinh này vào năm nóng nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu vào giữa thế kỷ 19. Ngay cả Bắc bán cầu cũng trải qua mùa thu ấm áp nhất được ghi nhận.

Đó là phát hiện của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Corpernicus của Liên minh châu Âu được công bố vào thứ Tư. Tháng trước, cơ quan khí hậu Mỹ NOAA cho biết có 99% khả năng năm 2023 sẽ là năm ấm nhất kể từ năm 1850.

 Nắng nóng bất thường xuất hiện trên toàn cầu trong năm 2023. Ảnh: GI

Nắng nóng bất thường xuất hiện trên toàn cầu trong năm 2023. Ảnh: GI

Trước đó, năm ấm nhất cho đến nay là năm 2016, nhưng hàng loạt kỷ lục nhiệt độ không được chào đón, bao gồm cả tháng 11, đã đưa năm 2023 lên vị trí số một.

Phó Giám đốc Copernicus, Samantha Burgess, cho biết: “Nửa năm vừa qua thực sự gây sốc. Năm 2023 hiện đã có 6 tháng phá kỷ lục và 2 mùa phá kỷ lục. Nhiệt độ toàn cầu bất thường trong tháng 11, bao gồm hai ngày nhiệt độ ấm hơn 2 độ C so thời tiền công nghiệp, có nghĩa năm 2023 đã là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận".

Theo báo cáo của Copernicus, nhiệt độ trung bình trong tháng 11 là 14,22 độ C, cao hơn 0,85 độ C so với mức trung bình trong 30 năm qua. Trong cả năm, nhiệt độ trung bình năm 2023 tăng 1,46 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, rất gần với ngưỡng quốc tế 1,5 độ C do Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 đặt ra.

Nhưng ngay cả khi các nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà hoạt động và các nhân vật chủ chốt của thế giới gặp nhau tại hội nghị khí hậu COP28 đang diễn ra ở Dubai (UAE), vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy một bước đột phá về hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Giám đốc Copernicus, Carlo Buontempo, cho biết: “Chừng nào nồng độ khí nhà kính còn tiếp tục tăng thì chúng tôi không thể mong đợi những kết quả khác so với những gì đã thấy trong năm nay”.

"Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và tác động của các đợt nắng nóng và hạn hán cũng vậy. Việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt là cách hiệu quả để quản lý rủi ro khí hậu của chúng ta", ông tuyên bố thêm.

Phó Giám đốc Copernicus, Samantha Burgess, nói thêm rằng “trừ khi chúng ta làm điều gì đó để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”, năm 2023 thậm chí vẫn sẽ còn được xem như một “năm mát mẻ” trong tương lai!

Bùi Huy (theo DPA, AP, DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/2023-la-nam-nong-nhat-tung-duoc-ghi-nhan-cho-nhung-hy-vong-tu-cop28-post275425.html