2024 là năm mang tính quyết định đối với mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS
Số liệu từ năm 2023 cho thấy có sự cải thiện trên toàn cầu về số ca mắc mới, việc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, trong khi số ca tử vong giảm. Tuy nhiên, UNAIDS cho rằng tiến bộ này vẫn mong manh.
Trong một báo cáo công bố ngày 22/7, Liên hợp quốc cho rằng những quyết sách của các nhà lãnh đạo chính trị trong năm nay sẽ quyết định việc có thể đạt mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 hay không.
Số liệu từ năm 2023 cho thấy có sự cải thiện trên toàn cầu về số ca mắc mới, việc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, trong khi số ca tử vong giảm. Tuy nhiên, Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho rằng tiến bộ này vẫn mong manh.
Theo báo cáo mới của Liên hợp quốc, gần 40 triệu người trên thế giới hiện đang sống chung với virus HIV.
Năm ngoái, thế giới ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca nhiễm mới, tăng 100.000 ca so với năm 2022. Dù giảm đáng kể so với mức đỉnh 3,3 triệu ca vào năm 1995, song xu hướng dài hạn vẫn còn cách xa mục tiêu của UNAIDS là giảm xuống 330.000 ca nhiễm mới vào năm 2025.
Báo cáo cũng cho thấy số ca tử vong vì HIV/AIDS giảm, từ mức 670.000 ca trong năm 2022 xuống 630.000 ca vào năm ngoái.
Theo báo cáo, việc tiếp cận thuốc kháng HIV (antiretroviral - ARV) cũng là một vấn đề lớn, với 30,7 triệu bệnh nhân được điều trị bằng loại thuốc này trong năm ngoái, so với chỉ 7,7 triệu bệnh nhân vào năm 2010.
Tuy nhiên, con số này còn kém xa mục tiêu 34 triệu bệnh nhân được tiếp cận thuốc ARV vào năm 2025.
Đông Phi và Nam Phi là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 20,8 triệu người nhiễm HIV, trong đó 450.000 ca nhiễm mới và 260.000 ca tử vong trong năm ngoái.
Mặc dù ghi nhận những tiến bộ nhưng Giám đốc điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima, cho rằng thế giới đang không đi đúng hướng để đạt được những mục tiêu của cơ quan này vào năm 2030.
Theo bà Byanyima, tình trạng bất bình đẳng đang khiến việc chấm dứt HIV/AIDS chưa đạt được mục tiêu đề ra, khi cứ mỗi phút lại có 1 người chết liên quan đến căn bệnh này. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao hơn vì mọi người không thể tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị.
Trên toàn cầu, tỷ lệ mắc HIV/AIDS ở nhóm người từ 15-49 tuổi là 0,8% nhưng tỷ lệ này ở những tù nhân là 1,3% và nhóm phụ nữ, trẻ em gái từ 15-24 tuổi ở các khu vực Đông Phi và Nam Phi là 2,3%. Tỷ lệ lây nhiễm cũng tiếp tục tăng ở nhóm mại dâm (3%), người tiêm chích ma túy (5%), người đồng tính (7,7%) và người chuyển giới (9,2 %).
Bà Byanyima cho biết thêm trong khi một số quốc gia ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara đã ghi nhận số ca nhiễm mới giảm hơn 50% kể từ năm 2010 nhưng những khu vực như Đông Âu, Trung Á và Mỹ Latinh lại đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng và diễn biến theo chiều hướng xấu do sự kỳ thị. Ở Đông Âu và Trung Á, chỉ 50% số người nhiễm HIV được điều trị trong khi con số này ở Trung Đông và Bắc Phi là 49%.
Trước thềm Hội nghị quốc tế lần thứ 25 về HIV/AIDS, dự kiến khai mạc ngày 22/7 tại thành phố Munich của Đức, bà Byanyima cùng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk tuần trước đã ra tuyên bố chung, trong đó kêu gọi đoàn kết và xóa bỏ sự kỳ thị để cứu sống những người mắc HIV/AIDS./.