204 triệu trẻ em đứng trước 'cú sốc khí hậu'
Theo một báo cáo của UNICEF, trẻ em ở Việt Nam, Philippines và nhiều quốc gia châu Á khác phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng từ thiên tai do biến đổi khí hậu.
Nikkei Asia dẫn báo cáo "Over the Tipping Point" được công bố vào tháng 5 cho biết 204 triệu trẻ em - tương đương 41% nhóm dưới 18 tuổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - phải đối mặt với 5 loại cú sốc và căng thẳng liên quan đến biến đổi khí hậu trở lên. Con số này cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Các cú sốc về khí hậu bao gồm hứng chịu nhiều sóng nhiệt, lũ lụt ven biển, tình trạng khan hiếm nước, xoáy thuận nhiệt đới,... Theo báo cáo, ngoài việc gia tăng tần suất, các thảm họa thiên nhiên đang “tương tác với các cú sốc phi khí hậu” như đại dịch Covid-19 và việc chi phí sinh hoạt leo thang để tác động đến toàn khu vực.
"Ở nhiều khu vực khác, tỷ lệ trẻ em cùng lúc phải đối mặt với nhiều cú sốc và hiểm họa trong một thời điểm nhất định thấp hơn. Tuy nhiên, ở khu vực này, tỷ lệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi các loại cú sốc khí hậu chồng chéo cao hơn nhiều, khiến đây trở thành vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi những cú sốc liên quan đến khí hậu”, Silvia Gaya, cố vấn khu vực về nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, nói.
Theo báo cáo, 57% trẻ em Việt Nam phải đối mặt với 5 rủi ro khí hậu trở lên. Viện dẫn thông tin lũ lụt năm 2020 ở miền Trung đã ảnh hưởng đến khoảng 160.000 trẻ em, báo cáo nhấn mạnh thảm họa này làm gia tăng nguy cơ trẻ em mắc các bệnh lây truyền qua nước, do các công trình nước và vệ sinh bị phá hủy.
Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà cả người lớn, song bà Gaya nhận định trẻ em bị ảnh hưởng nhiều hơn. Chẳng hạn, sóng nhiệt ảnh hưởng đến trẻ em nhiều hơn người lớn vì khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chúng thấp hơn.
Báo cáo cũng cho biết trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang phải hứng chịu số thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra tăng gấp 6 lần so với thế hệ ông bà của chúng.
Phát hiện trong báo cáo đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài việc tiếp tục ủng hộ nhu cầu cắt giảm lượng khí thải CO2, bà Gaya nhấn mạnh rằng hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng là rất quan trọng.
“Điều quan trọng là chúng ta tiếp tục hỗ trợ chúng (trẻ em) vì đó là những nhà lãnh đạo tương lai”, bà nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/204-trieu-tre-em-dung-truoc-cu-soc-khi-hau-post1436264.html