21 gia đình Thanh Hóa thoát nỗi lo biển 'nuốt'
Ông Trần Văn Khải, 71 tuổi tựa lưng vào rặng phi lao nhìn về phía biển. Ở đó, hơn một năm trước, 21 hộ dân ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ quê ông phải sống trong nỗi lo nơm nớp biển… nuốt làng.
Sau gần một năm thi công, đoạn đê kè dài 1,62 cây số đã cơ bản hoàn thành. Đơn vị thi công đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để bàn giao, đưa vào sử dụng. Mùa mưa bão năm nay, các hộ dân sống tiếp giáp biển thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa – Thanh Hóa) không còn lo lắng trước hiện tượng biển xâm thực như những năm trước.
Là người sống ở làng biển Tân Xuân hơn 50 năm, ông Trần Văn Khải, 71 tuổi cho hay, 21 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hiện tượng biển xâm thực đã yên tâm, không còn lo lắng.
“Đơn vị thi công làm ngày làm đêm, tiến độ rất nhanh, rất kịp thời. Đến nay, cơ bản đã xong các hạng mục chính. Dân chúng tôi rất phấn khởi vì cảnh quan xóm làng giờ đã thay đổi có thể yên tâm sinh sống khi mùa mưa bão đến”, ông Khải vui vẻ nói.
Chỉ tay về phía mặt đê đang được các tốp thợ hoàn thiện, ông Khải cho hay, tới đây, hơn 1,6km mặt đê kè sẽ trở thành đường đi bộ tập thể dục của người dân địa phương. Toàn bộ khu cửa biển lạch Hới đã khang trang, không còn cảnh nhếch nhác như trước đây.
Ông Khải từng là ngư dân, sống bám biển nửa thế kỷ nên khá hiểu thủy triều, con nước ở cửa Lạch Hới, nơi được xem là “rốn bão” ở xứ Thanh. Trước đây, hiện tượng xâm thực, sạt lở xảy ra ở mức độ nhỏ. Từ mùa mưa bão năm 2022, khu vực bở biển tiếp giáp cửa sông Mã bị xâm thực nặng nề, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân thôn Tân Xuân.
Theo khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng, khu vực biển xâm thực có chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng trung bình khoảng 75m, làm sạt lở trực tiếp đến đất ở của 3 hộ dân và trụ sở làm việc của Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Hới. Thời điểm tháng 10/2022, sóng biển dâng cao, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, đe dọa cuộc sống của 21 hộ dân với 77 nhân khẩu, phá vỡ quy hoạch quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa.
Hàng ngàn cây phi lao chạy dọc bờ biển, tiếp giáp cửa Lạch Hới bị sóng đánh tơi tả, cành, thân, gốc nằm ngổn ngang. Để bảo vệ tài sản, nhà cửa, người dân đã phải chủ động xây tường bao, be bờ, đổ cát làm kè tạm. Sau bão, nhiều đoạn tường tự xây bao bị xóa sổ.
Chính quyền huyện Hoằng Hóa đã cho cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, huy động nhân lực gia cố tạm thời một số điểm sạt lở, xâm thực trực tiếp vào nhà các hộ dân; đồng thời kiến nghị tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở tại khu vực Lạch Hới.
Nhớ lại cảnh tượng cuối năm 2022, ông Khải chưa hết bàng hoàng. “Chưa bao giờ biển xâm thực mạnh như thế. Đêm ngủ không yên giấc, sáng dậy lại thấy nước dâng thêm một đoạn, tiến sát mép nhà. Cả làng lúc nào cũng lo lắng bất an”, ông kể.
Cũng theo ông Khải, nếu không không xây dựng đê kè sẽ không còn cách nào khác để có thể chống lại hiện tượng biển xâm thực. Các nỗ lực của chính quyền địa phương sau đó như làm bao tải cát, đổ đá hộc chắn sóng… cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè chống sạt lở, xâm thực biển tại khu vực cửa lạch Hới, thôn Tân Xuân với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng do Công ty TNHH Hoàng Tuấn thi công.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, thời điểm khởi công, giá vật liệu tăng, thủy triều lên xuống thất thường nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là dự án khẩn cấp, nhằm đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân nên công ty đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật liệu để nhanh chóng hoàn thành. Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành các hạng mục, một tuyến đê kè biển dài 1,62 cây số đã hình thành. Hơn hai chục hộ dân đã ở cách mép nước biển hơn 100m, yên tâm không còn lo lắng khi mùa mưa bão đến.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ đánh giá cao năng lực, trách nhiệm, quyết tâm của đơn vị thi công. Theo ông Bình, tuyến đê kè sau khi hoàn thành không những sẽ đảm bảo an toàn cho người dân mà còn tạo cảnh quan đẹp, tạo quỹ đất để địa phương khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch.
“Chúng tôi đang nghiên cứu chọn các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương để trồng, tạo cảnh quan tại khu vực kè biển. Vị trí biển xâm thực trước kia, sau khi hoàn thiện đê sẽ có hơn 10ha đất giúp địa phương khai thác, phát triển kinh tế - xã hội”, ông Bình nói.