21 ngân hàng tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ số

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, 21 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 20 tỷ USD cho đối tượng đầu tư phát triển hạ tầng và thứ hai là phát triển công nghệ số.

Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, cuối tháng 3 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng trên tinh thần triển khai gói tín dụng nông lâm, thủy hải sản rất tích cực.

Theo ông Tú, gói nông, lâm, thủy hải sản hiện nay Ngân hàng Nhà nước đặt ra mức là 100 nghìn tỷ, lúc đầu chỉ có 15 nghìn tỷ nhưng giải ngân rất tích cực, nhanh, nên bây giờ mở rộng quy mô lên gần 100 nghìn tỷ.

Đối với gói 500 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng chỉ đạo theo hướng triển khai cho 2 đối tượnglà đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ số.

 Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

“Đây là một trong những chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt của Chính phủ, thể hiện sự đúng đắn trong việc tập trung nguồn lực cho hai lĩnh vực được xem là chủ chốt, điều kiện quan trọng để tiến tới phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Muốn đạt được tăng trưởng hai con số, có lẽ hai lĩnh vực này cũng là lĩnh vực đòi hỏi phải đi trước với vốn đầu tư dài hạn, làm nền tảng cho việc phát triển các ngành nghề khác”, ông Đào Minh Tú khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã triển khai ngay, làm việc với 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia đủ số lượng 500 nghìn tỷ, tương đương khoảng 20 tỷ USD.

Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đăng ký mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng; 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mỗi ngân hàng 20.000 tỷ đồng; 5 ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ hơn đăng ký 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi tối thiểu là 2 năm. Và gói này sẽ dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại chứ không phải nguồn ngân sách hay của nước ngoài. Hoàn toàn là nguồn lực các ngân hàng thương mại từ việc giảm chi phí, giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, nhất là cơ cấu nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Cũng theo Phó thống đốc, cho vay hạ tầng bao giờ cũng là những dự án quy mô vốn lớn nên buộc các ngân hàng thương mại phải cùng tài trợ chứ không phải một ngân hàng có thể tham gia. Hiện nay có rất nhiều dự án lớn quy mô quốc gia, chưa kể các dự án khác đang rất cần nguồn lực đầu tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hiện có hai vấn đề cần đặt ra. So với các gói tín dụng khác thì gói này có 2 đặc điểm. Một là đã cho vay ưu đãi, dù ưu đãi nhiều hay ít, thì đều phải xác định rõ đối tượng cần đầu tư, cần vay ưu đãi để tập trung nguồn lực. Trong lĩnh vực công nghệ cũng vậy, cần xác định rõ những đối tượng nào, thành phần nào cần đầu tư.

Yếu tố thứ hai là triển khai hạ tầng bao giờ thời gian cũng rất dài, 5 năm, 10 năm trong khi các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, phải có cơ cấu và tính toán được câu chuyện bảo đảm kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cần phải có sự phối hợp với các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ các đối tượng cùng thành phần, lĩnh vực hay dự án cần sự hỗ trợ của gói này.

“Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các bộ và đang có những văn bản đề nghị các bộ xác định rõ hơn để các ngân hàng thương mại cũng cơ cấu được nguồn vốn huy động cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Đồng thời bảo đảm được đối tượng theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Chắc chắn trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện được mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ”, ông Đào Minh Tú bày tỏ.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/21-ngan-hang-tham-gia-goi-tin-dung-500-nghin-ty-dong-dau-tu-phat-trien-ha-tang-va-cong-nghe-so-d58169.html