Trống rỗng sau 6 năm trả 2,5 tỷ đồng mua nhà ở TP.HCM
Tưởng sẽ nhẹ nhõm khi hết nợ, nhiều người trẻ lại thấy trống rỗng sau khi trả góp hàng tỷ đồng mua nhà suốt thời gian dài. Một số tiếp tục vay để mua xe, đầu tư tái tạo động lực.

Khoản tiền lớn để sở hữu tài sản vừa là áp lực vừa là động lực cho nhiều người trẻ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Tháng 12/2024, Đức Hùng (30 tuổi, quận 4, TP.HCM) hoàn thành khoản trả góp mua nhà thời hạn 6 năm. Chính thức thoát nợ ngân hàng, Hùng vừa vui mừng vừa hụt hẫng.
“Suốt 6 năm, tôi chỉ biết dốc toàn lực để trả hết nợ nhà. Bây giờ, khi toàn quyền sở hữu căn hộ, tôi không còn biết cố gắng vì điều gì”, anh tâm sự với Tri Thức - Znews.
Năm 2018, Đức Hùng gom toàn bộ khoản tiết kiệm sau 7 năm đi làm, trả trước 30% giá trị căn chung cư 2 phòng ngủ tại quận 4 (TP.HCM). Khoản trả góp hàng tháng vừa là áp lực, vừa là động lực cho anh trong những năm gần đây.
Bên cạnh công việc chính của một phó phòng marketing, anh nhận thêm nhiều dự án truyền thông từ một số doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức một nhóm làm việc không thường xuyên để thực hiện các chiến dịch ngắn hạn này.
Trong 6 năm áp lực trả nợ mua nhà, anh luôn nỗ lực gửi hồ sơ công ty đến các doanh nghiệp, ngỏ ý hợp tác. Dù bị từ chối nhiều lần, Hùng vẫn quyết tâm nhận ít nhất 3 dự án mỗi năm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế ảm đạm sau đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của anh ngày càng khó khăn.

Sau khi trả hết nợ mua nhà, nhiều người trẻ thấy trống rỗng vì thiếu động lực làm việc. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Đội nhóm chỉ tái hợp khi Đức Hùng tìm được dự án mới. Do không có mối quan hệ ràng buộc, nhiều thành viên trong đội nhóm quyết định rời đi trong thời gian gần đây. Vì thế, sau khi thoát nợ mua nhà, Đức Hùng dự định giải tán đội nhóm này.
“Tôi mất hứng thú chào mời khách hàng, điều hành nhóm hay lo tài chính và xử lý các vấn đề tài chính. Trong tương lai gần, tôi dự định tập trung vào công việc chính, tiếp tục làm công ăn lương, không còn muốn ‘đứng mũi chịu sào'", anh chia sẻ.
Không riêng Đức Hùng, nhiều người trẻ khác cũng rơi vào trạng thái trống rỗng sau khi hoàn tất mục tiêu mua nhà.
Sở hữu bất động sản trước tuổi 30 là cột mốc quan trọng với không ít người trẻ. Để xuống tiền mua những căn hộ hàng tỷ đồng, một số người tại TP.HCM và Hà Nội đã làm việc cật lực nhiều năm, thậm chí kiêm nhiệm 2–3 công việc để tích lũy và trả góp hàng tháng.
Ngỡ rằng niềm vui sẽ trọn vẹn khi thoát nợ, không ít người lại cảm thấy hụt hẫng hay mất động lực làm việc. Để vượt qua trạng thái này, họ chọn tự tạo mục tiêu mới như mua xe hơi hay sở hữu thêm bất động sản.
Người hụt hẫng, người tự hào
Ngọc Quyên (29 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vừa hoàn thành quá trình trả góp căn chung cư đầu tiên đứng tên mình. Trong thời gian qua, Quyên làm 2 công việc để trả nợ mua nhà, mong sớm thanh toán hết 2,5 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi suất, cho ngân hàng.
Bên cạnh công việc của một trưởng nhóm kinh doanh tại công ty, cô còn bán các gói dịch vụ du lịch trên mạng xã hội. Vì áp lực xóa nợ trước tuổi 30, Ngọc Quyên chăm chỉ bán hàng cho cả doanh nghiệp và cá nhân trong những năm gần đây.
“Hết nợ, tôi thấy mình chểnh mảng hơn, chỉ hoàn thành công việc ở mức vừa đủ tại công ty, đồng thời mất động lực tư vấn khách hàng riêng để bán các tour du lịch”, cô thừa nhận.

Ngọc Quyên chăm chỉ làm việc để trả xong tiền nhà trước 30 tuổi. Ảnh: NVCC.
Trái lại, Nguyễn Thành (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), một nhân viên ngành logistics phụ trách đối tác/khách hàng, cho biết anh cảm thấy tự hào và nhẹ nhõm khi vừa mua căn hộ 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh rộng 67 m2 có giá 3,3 tỷ đồng.
Vị trí căn hộ gần cao tốc Long Thành - Dầu Giây giúp anh kỳ vọng vào tiềm năng hạ tầng.
Ngay từ khi đi làm ở tuổi 22, Thành đã xác định rõ mục tiêu sở hữu nhà và các tài sản lớn khác. Anh tiết kiệm chi tiêu từ sớm, lên lộ trình tài chính cụ thể để đạt mục tiêu.
Thay vì vay ngân hàng ngay từ đầu, anh mượn toàn bộ số tiền từ người thân để chốt nhanh giao dịch và sang tên sổ hồng. Sau đó, anh vay lại ngân hàng theo diện đầu tư, dùng tài sản mới để thế chấp và trả lại khoản vay ban đầu cho người thân.
“Cách làm này giúp tôi chủ động tiến độ giao dịch và tiếp cận khoản vay với quy trình đơn giản hơn so với các gói vay mua nhà truyền thống", Thành chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Chuyển mục tiêu để lấp đầy khoảng trống
Theo tiến sĩ Gary Small, Trưởng khoa Tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Hackensack (Mỹ), trạng thái hụt hẫng sau khi trả xong nợ là phản ứng tâm lý phổ biến.
Chia sẻ với trang truyền thông chuyên lĩnh vực tài chính Bankrate, ông cho biết khi một mục tiêu tài chính từng là động lực to lớn bỗng dưng biến mất, nhiều người sẽ cảm thấy trống trải vì không còn biết phải hướng đến điều gì tiếp theo. Trong trường hợp đó, một số người chọn cách đặt ra mục tiêu mới, như vay mua xe, đầu tư đất, tái tạo áp lực, để giữ cho mình tiếp tục tiến về phía trước.
Có chỗ ở ổn định giúp Nguyễn Thành nhanh chóng quay lại nhịp làm việc và tiếp tục lên kế hoạch đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra.
“Hiện tại, tôi đang chuẩn bị xuống tiền để mua đất thổ cư đã 'nhắm' từ tháng trước. Tôi xem đây là cách bảo toàn giá trị tài sản trong dài hạn", anh chia sẻ.

Nhiều người trẻ lên kế hoạch sở hữu tài sản khác để thoát khỏi cảm giác trống rỗng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Với mục tiêu mới này, Thành tiếp tục áp dụng cách tiếp cận tài chính quen thuộc, vay tiền từ người thân để có thể giao dịch nhanh chóng, sau đó mới vay ngân hàng để hoàn trả khoản vay ban đầu.
Anh cho biết bản thân cảm thấy may mắn khi người thân có điều kiện tài chính ổn định, sẵn sàng hỗ trợ mà không lấy lãi, đồng thời tạo điều kiện cho anh trả nợ thong thả hơn.
Trong khi đó, Ngọc Quyên, sau giai đoạn hụt hẫng vì đã hoàn tất mục tiêu mua nhà, cũng không muốn ở lại quá lâu trong trạng thái mất phương hướng. Cô quyết định đặt ra mục tiêu mới để tự tạo động lực kiếm tiền cho bản thân.
Sau khi cân nhắc, Quyên chọn phương án mua ôtô trả góp. Cô nhắm đến dòng xe hơi trị giá khoảng 800 triệu đồng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
“Chi phí trả góp ôtô ở mức vừa phải, giúp tôi duy trì động lực mà không bị áp lực quá lớn. Hơn nữa, tính thanh khoản của xe hơi cũng cao hơn nhà, dễ bán lại nếu gặp khó khăn về mặt tài chính”, trưởng nhóm kinh doanh 29 tuổi nói.
Nhiều bạn bè ngăn cản quyết định này của Quyên, khuyên cô không nên tiếp tục “đâm đầu” vào một khoản nợ mới. Song, đây là phương án phù hợp với trưởng nhóm kinh doanh này, giúp cô vừa duy trì động lực làm việc vừa có cơ hội tích lũy thêm tài sản.