220 hec-ta cây ăn quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở Tây Nguyên

Dự án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên giúp người nông dân trồng cây ăn quả tăng năng suất trên 10% và sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nước ngoài.

Ngày 11/12, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2024”.

Đây là dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022 – 2024, được triển khai theo hình thức xây dựng mô hình trồng, thâm canh cây ăn quả (chanh leo, sầu riêng, bơ và mít) theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô 220 hec-ta tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai.

Mục tiêu của dự án hướng đến là năng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao năng lực, vai trò của hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất…

Sau 3 năm, dự án đã triển khai thực hiện thâm canh 180 hec-ta cây sầu riêng, bơ, mít và 40 hec-ta trồng mới chanh leo, với 241 hộ dân tham gia; tổ chức 13 lớp tập huấn nhân rộng mô hình với 390 học viên tham gia…

Mô hình trồng chanh leo từ dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Đắk Lắk

Mô hình trồng chanh leo từ dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Đắk Lắk

Dự án đã giúp cho người nông dân trồng cây ăn quả tăng năng suất trên 10% và sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng thời, kết nối được với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giúp hộ nông dân tăng hiệu quả kinh tế bình quân trên 15% so với sản xuất đại trà…

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, từ kết quả tích cực của dự án, các cơ quan quản lý nông nghiệp, chính quyền địa phương cần có kế hoạch đưa kết quả này vào văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người sản xuất áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP để giảm tác động xấu đến môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển ngành hàng cây ăn quả bền vững tại địa phương.

Tiến sĩ Đặng Bá Đàn, Trưởng Văn phòng Trung tâm Khuyến nông Nam Trung bộ và Tây Nguyên nêu ý kiến: “Các tỉnh cũng như các đơn vị cúng như bà con nông dân hoàn thiện báo cáo và đồng bộ với các dự án, chương trình cũng như bà con nông dân ở đây chúng ta làm nông nghiệp cùng nhau đồng hành và khắc phục dần dần sẽ có những sản phẩm nông nghiệp tốt”.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/220-hec-ta-cay-an-qua-duoc-trong-theo-tieu-chuan-vietgap-o-tay-nguyen-post1141512.vov