23 năm VN-Index: Những cơn sóng lớn và kỳ vọng 'vượt vũ môn'

Trong tháng kỷ niệm 23 năm ngày giao dịch đầu tiên vào tháng 7/2023, VN-Index lại chinh phục mốc 1.200 điểm, mức đỉnh mà trước đó mới chỉ hai lần đạt được. Kỳ vọng vào sự đi lên tiếp tục được vun đắp khi phía trước vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội.

Ngày 28/7/2000 đánh dấu bước đi quan trọng trong lịch sử phát triển ngành chứng khoán Việt Nam, khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM, tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) tổ chức thành công phiên giao dịch đầu tiên, với 2 cổ phiếu niêm yết là REE của CTCP Cơ điện lạnh và SAM của CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (nay là CTCP SAM Holdings).

Trải qua 23 năm vận hành và phát triển, VN-Index đã trải qua nhiều thăng trầm và hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cũng không còn bé nhỏ như xưa. Trong ngày đầu lên sàn, số lượng cổ phiếu SAM chỉ là 12 triệu, tương ứng vốn điều lệ 120 tỷ đồng; trong khi REE cũng chỉ niêm yết 15 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Tổng cộng vốn hóa thị trường chỉ vỏn vẹn 270 tỷ đồng.

Từ hai doanh nghiệp lên sàn chứng khoán Việt Nam đầu tiên, sau 23 năm, tính đến tháng 6/2023 đã có tổng cộng 1.593 doanh nghiệp đăng ký niêm yết trên 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM. Riêng trên HoSE là 395 doanh nghiệp. Vốn hóa thị trường đạt 7,6 triệu tỷ đồng, tương đương 86,4% GDP cả nước. Sau hơn 2 thập kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Những “cơn sóng lớn” của VN-Index

Con sóng đầu tiên của VN-Index bắt đầu nổi lên ngay khi thị trường mới vận hành, từ trung tuần tháng 10/2000. Tuy rất ít mã nhưng đó lại là một trong những “cơn sóng” có biên độ cao nhất, từ 100 lên 570 trong vòng 1 năm. REE và SAM theo đó cũng tăng gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, việc đột ngột nâng biên độ lên 7%, cùng hạn chế khối lượng giao dịch (mỗi nhà đầu tư chỉ được mua 2.000 cổ phiếu/phiên) đã tạo ra làn sóng bán tháo, khiến thị trường trở lại điểm xuất phát và chủ yếu đi ngang trong khoảng 2 năm sau đó.

Đến năm 2006, việc Việt Nam gia nhập WTO tiếp tục tạo ra cơn “sóng thần” trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index tăng gấp đôi lên 1.170 điểm chỉ trong vòng 3 tháng. Cùng với sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường chung, hàng loạt cổ phiếu trên sàn cũng tăng bằng lần và đạt đỉnh.

Nhưng niềm vui của các nhà đầu tư cũng không kéo dài lâu, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 sau đó lại khiến thị trường rơi vào suy thoái và gần như đánh mất toàn bộ những gì gây dựng được. Khi đó, UBCKNN chọn cách “giảm nhiệt” thông qua việc siết biên độ giao dịch. Trong vòng chưa đầy nửa năm, biên độ dao động giá cho cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được điều chỉnh đến 4 lần, từ 7% xuống 1%, trước khi nới dần lên vì sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau giai đoạn tăng nóng, giảm sâu năm 2007-2008, VN-Index trải qua nhiều năm trong trạng thái chững lại và đi ngang. Nhà đầu tư phải chờ đợi đến tận một thập kỷ, “sóng thần” mới thực sự trở lại. Tăng 48% trong năm 2017, VN-Index được xếp trong nhóm những chỉ số có mức tăng ấn tượng nhất thế giới.

"Câu chuyện thần kỳ" được viết tiếp trong năm 2018 khi các mốc quan trọng như 1.000 điểm, 1.100 điểm được vượt qua. Liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3/2018, Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới.

Đến cuối tháng 3/2018, lần đầu tiên trong hơn 10 năm, chỉ số tái lập mức cao lịch sử 1.171 điểm. Chưa đầy nửa tháng sau đó, ngày 9/4, mức kỷ lục mới với VN-Index được xác lập tại 1.204 điểm - con số cao nhất của chỉ số này được "khai sinh".

Tuy nhiên, việc "tăng nóng" của chỉ số cùng mức định giá cổ phiếu đắt đỏ lại như quả bóng phình to quá khả năng. Cộng thêm những bất ổn từ thị trường quốc tế như chiến tranh thương mại leo thang, dòng chảy vốn xoay chiều, đồng bạc xanh tăng giá, VN-Index lại một lần nữa thất thủ.

Từ chỉ số tốt nhất châu Á trong 3 tháng đầu năm, mọi nỗ lực của chứng khoán Việt Nam đã bị xóa sạch chỉ 3 tháng sau đó. VN-Index giảm tới 18% trong quý 2/2018, trở thành chỉ số giảm sâu nhất từ mức đỉnh so với các thị trường trong khu vực.

Cơn “sóng thần” tiếp theo thì chắc hẳn đa số nhà đầu tư trên thị trường hiện nay đều nhớ rõ là giai đoạn 2021 và đầu 2022. Covid-19 diễn biến là đòn giáng mạnh lên kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, nhưng ở khía cạnh đầu tư lại là cơ hội của thị trường chứng khoán.

Môi trường lãi suất thấp, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư thay thế, cùng với sức hấp dẫn bởi tỷ lệ sinh lời cao khiến số nhà đầu tư mới tăng liên tục, thể hiện qua số tài khoản mở mới mỗi tháng cao kỷ lục. Thanh khoản từ mức loanh quanh dưới 10.000 tỷ đồng đã tăng lên 15.000-20.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều phiên gần 30.000 tỷ đồng.

Nhờ dòng tiền tham gia mạnh mẽ, VN-Index lần đầu vượt ngưỡng 1.500 điểm trong tháng 11/2021, thiết lập mức cao nhất 1.529 điểm vào tháng 1/2022.

REE: Từ 15 triệu cổ phiếu đến vốn hóa tỷ USD

Để minh chứng cho con đường đi lên của thị trường chứng khoán sau 23 năm, không ví dụ nào chân thực hơn sự phát triển của REE – doanh nghiệp đầu tiên niêm yết.

REE tiền thân là Xí nghiệp Cơ điện lạnh, được thành lập năm 1977. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh làm Phó giám đốc rồi Giám đốc REE từ năm 1982. Năm 1993, công ty cổ phần hóa, bà Thanh đảm nhận cả hai vị trí Chủ tịch HĐQT và CEO. Đến tháng 7/2020, bà Mai Thanh mới chuyển giao vị trí Tổng giám đốc cho ông Huỳnh Thanh Hải.

Vào thời điểm cách đây 23 năm, chứng khoán vẫn là điều gì đó xa lạ với doanh nghiệp. Khi UBCKNN đi vận động tham gia, phần lớn các công ty đã thẳng thừng từ chối, phần vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích khi công khai nhiều số liệu kinh doanh bí mật, phần vì vẫn chưa hiểu rõ thị trường. Tuy nhiên khi đoàn công tác của UBCKNN tìm đến REE, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã ngay lập tức đồng ý.

Bà Mai Thanh từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng, đối với doanh nghiệp cổ phần chưa niêm yết, áp lực của người lãnh đạo đối với các cổ đông là hiệu quả kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận và cổ tức..., hiệu quả kinh doanh năm sau phải cao hơn năm trước. Nhưng đối với doanh nghiệp đã niêm yết, lãnh đạo còn chịu thêm áp lực về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mà giá cả cổ phiếu không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên cũng chính nhờ áp lực đó mà REE ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Qua thị trường chứng khoán, công ty đã nhiều lần phát hành cổ phiếu thành công, huy động lượng vốn không nhỏ phục vụ cho đầu tư phát triển lâu dài. Từ một xí nghiệp quốc doanh, REE đã trở thành tập đoàn đa ngành với vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng, kinh doanh 4 lĩnh vực chính gồm cơ điện lạnh, năng lượng điện, nước sạch, bất động sản.

Năm 2000, năm đầu tiên niêm yết trên sàn, REE ghi nhận 225 tỷ đồng doanh thu và 30,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hơn 20 năm sau, mức lợi nhuận của REE đã tăng gấp hơn 60 lần, lên con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2022, công ty mang về mức lợi nhuận kỷ lục 3.513 tỷ đồng. Trong quý 1/2023, công ty cán mốc lợi nhuận quý cao nhất trong lịch sử hoạt động, với 1.055 tỷ đồng.

Đi cùng với hiệu quả kinh doanh, cổ phiếu REE trên thị trường chứng khoán cũng “thăng hoa” không kém. Từ mức giá chỉ 2.000 đồng/cp, REE dần chinh phục các mốc giá trị cao hơn và thực sự bùng nổ trong năm 2022, với mức đỉnh lịch sử sát 85.000 đồng/cp. Hiện, mã đang giao dịch ở vùng giá 67.000 đồng. Với mức giá này, vốn hóa của REE trên thị trường đạt hơn 27.400 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).

Chờ đợi những “ngọn sóng” cao hơn

Lên xuống là sự vận động bình thường của thị trường chứng khoán, bởi đây là lĩnh vực khá nhạy cảm với các chuyển động vĩ mô. Sau cơn “sóng lớn” vào năm 2021 và đầu năm 2022, VN-Index lại có đợt điều chỉnh sâu khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, lạm phát leo thang buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp chấn chỉnh thị trường...

Tuy nhiên, các chuyên gia, đơn vị phân tích, nhà đầu tư quốc tế đều chung nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường trong dài hạn. Chứng khoán Việt Nam có đủ các yếu tố để bứt phá trong thời gian tới.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Dù nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 3,72%, nhưng Chính phủ đã không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, quyết tâm đạt mức cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2023 là 6,5%.

Theo Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 16/6/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát vẫn ở mức kiểm soát cũng sẽ giúp Việt Nam là điểm sáng trong khu vực cũng như toàn cầu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là động lực tăng trưởng từ nhà đầu tư cá nhân. Giai đoạn năm 2021 và đầu năm 2022, chính việc nhà đầu tư cá nhân ồ ạt tham gia đã mang một lượng tiền lớn vào thị trường chứng khoán, giúp VN-Index đạt đỉnh lịch sử. Tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 6/2023 đạt hơn 7,6 triệu tài khoản (tương đương 7% dân số), tăng gấp đôi so với thời điểm giữa năm 2021. Với động thái mở mới tài khoản chứng khoán gia tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, số lượng nhà đầu tư tham gia thời gian tới hứa hẹn sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ ba, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có những giải pháp để xây dựng, phát triển thị trường lành mạnh, bền vững. Các quy định pháp lý ngày càng được hoàn thiện rõ ràng và hiệu quả. Hệ thống giao dịch mới (KRX) đã được triển khai thử nghiệm toàn thị trường ngày 6/3/2023 và dự kiến vận hành trong năm nay. Đặc biệt, công tác nâng hạng thị trường đang được UBCKNN nỗ lực đẩy nhanh.

Tại tọa đàm “Đối thoại tháng 7 - Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” sáng 25/7 vừa qua, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN cho biết, thời gian qua, UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc nâng hạng thị trường. Cuối tháng 8 này, UBCKNN sẽ tổ chức tọa đàm tại Hồng Kông (Trung Quốc), làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Sự hồi phục nhanh của VN-Index thời gian qua đã phần nào chứng tỏ tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp chưa có nhiều điểm sáng nhưng chỉ số đã tăng tới 38% kể từ mức đáy tháng 11/2022. So với “đợt sóng” năm 2018, rõ ràng thời gian hồi phục của VN-Index đã diễn ra nhanh hơn.

Trong báo cáo vừa cập nhật ngày 27/7, ông Petri Deryng – quản lý quỹ đầu tư Pyn Elite (Phần Lan) kỳ vọng rằng xu hướng của thị trường chứng khoán vẫn là đi lên, vì lãi suất của Việt Nam đã giảm đáng kể trong suốt những tháng đầu năm, và lãi suất giảm sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới. Trong quý 3, lãi suất dự kiến sẽ đạt mức 6%. Tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết sẽ tăng tốc và việc tái phân bổ vốn trở lại thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục.

NỘI DUNG: ĐINH NHUNG, THIẾT KẾ: HÀ ANH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/23-nam-vn-index-nhung-con-song-lon-va-ky-vong-vuot-vu-mon-post24816.html