Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương
Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Cảm hứng từ quê hương
Lớn lên tại một làng quê nghèo, Trang chứng kiến những khó khăn mà người dân phải đối mặt khi phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng mùa vụ trong có cây bơ. Điều này đã thúc đẩy cô tìm cách phát triển kinh tế bằng những sản phẩm có giá trị lâu dài, giúp cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Sau khi học được 3 tháng tại Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình 2 (TP. Hồ Chí Minh), Trang quyết định dừng học và trở về quê hương. “Mình nhận thấy chỉ học trên giảng đường là chưa đủ, muốn thử sức và làm gì đó để giúp đỡ người dân trong làng. Quê hương mình có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng bà con chưa biết cách khai thác”-Trang chia sẻ.
Trang bắt đầu tìm kiếm những sản phẩm có thể mang lại giá trị kinh tế lâu dài cho cộng đồng. Và Trang dành sự chú ý đến trái bơ. Đây là một loại trái cây quen thuộc nhưng chỉ được tiêu thụ tươi hoặc làm gia vị trong các món ăn, chưa được khai thác triệt để.
“Trái bơ có rất nhiều giá trị dinh dưỡng và làm đẹp mà chúng ta chưa khai thác hết. Tinh dầu bơ chứa một lượng lớn các vitamin và dưỡng chất, đặc biệt là axit béo không no và các chất chống oxy hóa. Do đó, chúng ta có thể tạo ra một sản phẩm vừa có giá trị, vừa không tốn quá nhiều chi phí”-Trang tâm sự.
Quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, tháng 4-2024, Trang bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về quy trình chế biến tinh dầu bơ qua các tài liệu, tham gia các khóa học trực tuyến và kết nối với những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sau hơn 6 tháng thử nghiệm với quả bơ thu hoạch từ vườn gia đình, Trang đã hoàn thiện quy trình chế biến tinh dầu bơ nguyên chất. Đến tháng 10-2024, sản phẩm tinh dầu bơ mang tên “Tờrang phố núi” chính thức ra mắt thị trường.
Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của cô gái trẻ không hề dễ dàng. “Khó khăn lớn nhất là thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn. Ban đầu, mình phải tự mày mò và thử nghiệm quy trình chế biến tinh dầu bơ. Việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng rất khó khăn vì người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm của mình”-Thùy Trang nhớ lại.
Để vượt qua khó khăn, Trang huy động sự hỗ trợ từ bà con trong làng. Những người dân có kinh nghiệm thu hoạch bơ đã giúp cô hình thành đội ngũ sản xuất. “Mỗi lọ tinh dầu không chỉ là thành quả của mình mà còn là sản phẩm của cả cộng đồng”-Trang cho biết.
“Trước đây, chúng tôi chủ yếu trồng bơ rồi bán đi, chưa nghĩ đến việc chế biến để tạo ra sản phẩm giá trị cao. Nhưng giờ đây, bơ không chỉ bán được giá cao mà còn giúp chúng tôi có thêm việc làm”-bà Bi (70 tuổi; trú tại làng Blo) nói.
Tương tự, chị Cao Thị Hiền (29 tuổi, trú cùng làng) chia sẻ: “Khi Trang nói về việc chế biến tinh dầu bơ, tôi không hiểu lắm. Nhưng khi được Trang hướng dẫn, tôi nhận ra đây là cơ hội tốt. Công việc này không chỉ giúp tôi có thu nhập mà còn học được nhiều kỹ năng mới”.
Sản phẩm tinh dầu bơ của Trang đặc biệt ở chỗ được chế biến thủ công, giữ nguyên vẹn các dưỡng chất quý giá của bơ. Cứ 10 kg bơ chỉ cho ra được khoảng 50ml tinh dầu và để hoàn thiện một lọ tinh dầu, Trang cùng mọi người phải làm việc liên tục trong 5-6 giờ đồng hồ. Mặc dù quy trình phức tạp và tốn thời gian, Trang vẫn quyết tâm giữ chất lượng cao để phục vụ những khách hàng yêu thích sản phẩm thiên nhiên.
Tính đến nay, sản phẩm tinh dầu bơ “Tờrang phố núi” đã bán được hơn 300 lọ. Mặc dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng sản phẩm ngày càng được khách hàng yêu thích nhờ vào chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi; trú tại tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi rất tin tưởng vào các sản phẩm thiên nhiên. Sau gần 1 tháng sử dụng tinh dầu bơ “Tờrang phố núi”, tôi cảm thấy làn da tôi mịn màng hơn và cảm thấy thư giãn, dễ chịu. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ sản phẩm này và giới thiệu cho bạn bè”.
Trang cũng đang tìm cách mở rộng thị trường, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cô cũng tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp 2024” do tỉnh Gia Lai tổ chức, hy vọng sẽ có thêm nguồn vốn và sự hỗ trợ để phát triển sản phẩm hơn nữa.
Đặc biệt, Trang dự định đầu năm 2025 sẽ tặng 200 cây bơ con cho bà con tại làng Blo để trồng và cam kết thu mua bơ theo giá thị trường. “Mình muốn xây dựng một mô hình nông nghiệp bền vững, giúp bà con có thu nhập ổn định, không phải phụ thuộc vào thương lái”-Trang chia sẻ.
Dự án cộng đồng
Bên cạnh công việc khởi nghiệp, Trang còn rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Từ năm lớp 9, cô đã bắt đầu tiết kiệm tiền để mua gạo, sữa và nhu yếu phẩm trao tặng các em nhỏ, người già ở vùng sâu, vùng xa.
Một trong những dự án đáng chú ý mà Trang thực hiện là xây dựng 8 khu vui chơi tái chế cho trẻ em tại các điểm trường ở huyện Đak Đoa, Chư Sê. Những khu vui chơi này không chỉ mang lại niềm vui cho các em nhỏ mà còn là món quà tinh thần cho bà con vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn.
“Chúng ta không chỉ cần làm kinh tế mà còn phải làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Mình hy vọng rằng, những khu vui chơi này sẽ giúp các em có không gian vui chơi lành mạnh, từ đó phát triển tốt hơn”-Thùy Trang chia sẻ.