25 quốc gia ra tuyên bố chung yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tại Gaza
Anh, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu tuyên bố, chiến tranh ở Dải Gaza 'phải chấm dứt ngay lập tức' và Israel phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Quân đội Israel tiếp tục mở rộng các cuộc tấn công vào Dải Gaza. Ảnh: AA.
Ngày 21-7, bộ trưởng ngoại giao các nước, bao gồm Anh, Pháp, Australia, Canada, Nhật Bản… đã ra tuyên bố chung lên án mô hình cung cấp viện trợ nhỏ giọt của chính phủ Israel và giết hại dân thường một cách vô nhân đạo. Động thái này diễn ra sau khi hơn 800 người Palestine thiệt mạng gần các địa điểm phân phát thực phẩm của Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - tổ chức được Mỹ và Israel hậu thuẫn để tiếp quản việc phân phối viện trợ tại Dải Gaza từ một mạng lưới do Liên hợp quốc đứng đầu.
Nội dung tuyên bố chung nêu rõ: “Nỗi thống khổ của người dân Gaza đã lên đến đỉnh điểm. Mô hình viện trợ của Chính phủ Israel rất nguy hiểm, gây ra bất ổn và tước đoạt nhân phẩm của người dân Gaza. Chúng tôi lên án việc cung cấp viện trợ nhỏ giọt và việc giết hại vô nhân đạo người dân, bao gồm cả trẻ em, những người đang tìm cách đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của họ về nước và lương thực… Việc Chính phủ Israel từ chối hỗ trợ nhân đạo thiết yếu cho người dân là không thể chấp nhận được. Israel phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế.
Những con tin bị Hamas giam giữ một cách tàn bạo kể từ ngày 7-10-2023 vẫn đang phải chịu đựng những đau khổ khủng khiếp. Chúng tôi lên án việc tiếp tục giam giữ họ và kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ. Một lệnh ngừng bắn được đàm phán mang lại hy vọng tốt nhất để đưa họ trở về nhà và chấm dứt nỗi đau khổ của gia đình họ".
Tuyên bố chung cũng kêu gọi chính phủ Israel ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với dòng chảy viện trợ và khẩn trương tạo điều kiện cho Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ nhân đạo thực hiện công tác cứu người một cách an toàn và hiệu quả.
Các nước kêu gọi tất cả các bên bảo vệ thường dân và tuân thủ các nghĩa vụ của luật nhân đạo quốc tế, đồng thời phản đối bất kỳ bước đi nào nhằm thay đổi lãnh thổ hoặc nhân khẩu học tại các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Theo trang thông tin của Chính phủ Anh