Tuyên bố chung của 25 nước kêu gọi chấm dứt ngay xung đột tại Gaza
Ngày 21/7, Anh và 24 quốc gia khác, gồm Australia, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Thụy Sĩ, New Zealand cùng một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tại Dải Gaza, trong bối cảnh thương vong dân sự tiếp tục gia tăng nghiêm trọng.

Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel tại Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi kêu gọi các bên và cộng đồng quốc tế đoàn kết trong một nỗ lực chung nhằm chấm dứt cuộc xung đột thông qua một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và vĩnh viễn", đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với nỗ lực hòa giải của Mỹ, Qatar và Ai Cập. Các nước ký kết cũng cho biết sẵn sàng có thêm hành động để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn bền vững.
Tuyên bố chung cũng cho rằng Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - cơ chế phân phối viện trợ do Mỹ và Israel hậu thuẫn nhằm thay thế cho các hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ) là hoạt động "nguy hiểm", không đảm bảo an toàn và chỉ cung cấp viện trợ "nhỏ giọt" cho người dân. Các nước cảnh báo việc giết hại thường dân, kể cả trẻ em, khi họ đang tìm kiếm thực phẩm và nước sạch, là “vô nhân đạo” và không thể biện minh.
Theo số liệu của LHQ, tuần trước đã có ít nhất 875 người thiệt mạng khi tìm cách nhận lương thực từ GHF.
Tuyên bố có đoạn viết “Việc chính phủ Israel từ chối hỗ trợ nhân đạo thiết yếu là không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi Tel Aviv ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với dòng viện trợ và cho phép LHQ cùng các tổ chức nhân đạo hoạt động an toàn, hiệu quả tại Gaza.
Ngoài ra, tuyên bố cũng lên án việc Hamas tiếp tục giam giữ con tin, yêu cầu lực lượng này "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" cho các con tin, đồng thời nhấn mạnh rằng một thỏa thuận ngừng bắn có thể là "hy vọng tốt nhất" để đưa các con tin trở về.
Về các kế hoạch tái định cư, nhóm 25 nước tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động dẫn tới thay đổi lãnh thổ hoặc nhân khẩu học tại các Vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là kế hoạch chuyển người dân Gaza tới “thành phố nhân đạo” do Israel đề xuất. Tuyên bố nhấn mạnh: “Việc cưỡng bức di dời vĩnh viễn là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế”.