27 ngày làm 'chiến sĩ' của nữ sinh giấu cha mẹ tình nguyện vào tâm dịch

Được huy động hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh, hàng nghìn sinh viên tình nguyện tại các trường đại học y dược với nhiệt huyết và tinh thần tuổi trẻ, đã cùng đồng lòng, nỗ lực hàng ngày hàng giờ.

Câu chuyện về Phương Thảo - một cô gái giấu bố mẹ lên đường tình nguyện và gây ấn tượng với các động tác ngẫu hứng vui nhộn khi đi chống dịch ở Bắc Ninh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trong mấy ngày gần đây.

Giờ đây, khi kết thúc đợt tình nguyện, ở trong khu cách ly, thông qua những dòng nhật ký, Phương Thảo đã trải lòng về 27 ngày - không dài nhưng đủ để cô sinh viên trường Y có những kỷ niệm không bao giờ quên về một thời sinh viên đã cống hiến hết mình!

--------------

“Con biết bố mẹ sẽ lo. Nhưng con mong bố mẹ hiểu cho nhiệm vụ lần này. Con đi trong tự hào và về cũng sẽ thế!”.

Đó là lời nhắn của tôi dành cho gia đình thân yêu của mình. Mới đó mà đã gần một tháng từ khi tôi quyết định tham gia đội tình nguyện của trường. Nhanh thật, tôi cứ ngỡ như ngày hôm qua…

Tôi còn nhớ như in, ngày 17-5, ngay sau khi nhận được thông báo Bắc Ninh cần nguồn nhân lực, không chút do dự, tôi đăng ký và sẵn sàng tinh thần tham gia cho cuộc chiến. Biết bố mẹ sẽ lo lắng, tôi không dám báo trước. Đến khi đã ngồi trên xe đến Bắc Ninh, tôi mới nhắn tin cho bố. Sau khi đọc tin nhắn, bố không những không giận mà còn động viên và ủng hộ việc tôi tham gia chống dịch.

 Sinh viên Trần Phương Thảo tại điểm hỗ trợ tiêm vắc xin huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Sinh viên Trần Phương Thảo tại điểm hỗ trợ tiêm vắc xin huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Có lẽ là một người trong ngành và đã từng tham gia trong tuyến đầu chống dịch tại quê hương Thanh Hóa nên phần nào bố hiểu được công việc và suy nghĩ của tôi. Không chỉ tiếp sức, bố còn dặn dò và chỉ cho tôi những cách cơ bản để phòng tránh dịch tốt nhất.

Sau khi đến Sở Y tế Bắc Ninh, theo sự phân công chỉ đạo của Sở, tôi và các bạn trong đội được giao về Trung tâm Y tế huyện Tiên Du để tiếp sức các anh chị đang làm nhiệm vụ tại đây.

Ngay đêm hôm đó, chúng tôi bất ngờ được lệnh truy vết tìm F1 khẩn cấp và lấy mẫu xét nghiệm tại 6 điểm khu phong tỏa với hơn 10 nghìn mẫu. Liên tục lấy mẫu từ 2 giờ sáng đến 10 giờ tối trong trang phục bảo hộ, dưới thời tiết nắng nóng là một thử thách lớn đối với tôi. Dù có vất vả, nhưng tôi cảm thấy trong mỗi người luôn tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm hết mình.

 Bàn tay của Thảo nhăn nheo sau khi mới làm xong việc.

Bàn tay của Thảo nhăn nheo sau khi mới làm xong việc.

Đến Bắc Ninh lần này, đoàn chúng tôi được giao 2 nhiệm vụ. Từ 6 giờ đến 10 giờ sáng hằng ngày, đi lấy mẫu xét nghiệm các F1 tại khu vực cách ly tập trung. Các F1 được lấy mẫu sàng lọc 5 ngày/1 lần. Buổi tối từ 6 giờ đến 10 giờ, tiếp tục đi lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Tập hợp được tất cả người dân để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm là khó khăn lớn nhất đối với đội chúng tôi. Vì mỗi lần làm nhiệm vụ trong bộ đồ bảo hộ kín mít dưới nắng nóng gay gắt khiến ai cũng cũng thấy rất khó thở, nếu không tập hợp được người dân, chúng tôi sẽ phải chờ đợi rất lâu. Bên cạnh đó, công việc của chúng tôi không được báo trước giờ giấc, nên mọi người trong đoàn lúc nào cũng trong tư thế phải sẵn sàng làm nhiệm vụ và đi luôn khi có tiếng gọi của trưởng đội.

Để giảm căng thẳng, sau mỗi lần hoàn thành công việc, chúng tôi thường hay có những động tác “ngộ nghĩnh” một cách ngẫu hứng thay cho những lời nói “cố lên”. Niềm tự hào được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, thực hiện sứ mệnh của người thầy thuốc được viết nắn nót trong lời thề Hippocrates mà mỗi sinh viên y khoa đều khắc cốt ghi tâm đã giúp chúng tôi vững vàng hơn bao giờ hết.

Sinh viên Trần Phương Thảo (thứ 2) và đồng đội sau khi hoàn thành xong công việc.

Sinh viên Trần Phương Thảo (thứ 2) và đồng đội sau khi hoàn thành xong công việc.

Đến bây giờ đây, khi ngồi viết những dòng nhật ký này tại khu cách ly, khi không được tiếp tục đồng hành cùng các anh chị tại Tiên Du, tôi nhớ da diết - nhớ đường sá, nhớ nơi chúng tôi đã làm việc, nhớ hình ảnh các bạn dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện phân luồng; nhớ các cô, các bác và anh chị trung tâm y tế huyện Tiên Du đã không quản khó khăn, chăm sóc và đón tiếp chúng tôi từ những ngày đầu, quan tâm sẻ chia từng miếng bánh, chai nước, tiếp sức đội sau mỗi lần hoàn thành xong công việc...

Tôi mong rằng, một ngày gần nhất, không chỉ huyện Tiên Du mà các địa bàn khác tại tỉnh Bắc Ninh và cả nước sẽ hết dịch. Nhìn những lần vất vả của anh chị tại trung tâm cũng như mọi người trong đội, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng ướt sũng như tắm, người ai cũng đỏ ửng lên vì thiếu khí, thậm chí có những anh chị phải xa con, xa gia đình hàng tuần không về... Thực sự rất đau lòng!

Các động tác ngẫu hứng của sinh viên Trần Phương Thảo giúp các đồng đội tiếp thêm động lực để hoàn thành công việc.

Chắc chắn rằng, không chỉ tôi mà còn các bạn đồng đội, chúng tôi sẽ quay trở lại thăm trung tâm và những người bạn Tiên Du, sẽ chia sẻ niềm vui niềm chiến thắng khi đơn vị hết dịch. Tôi vẫn ghi nhớ câu nói của người Bắc Ninh khi lần đầu đặt chân đến Tiên Du - “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình” - Và tôi, vỏn vẹn 27 ngày làm nhiệm vụ tại địa phương, tôi đã cảm nhận và tin câu nói đó!

TRẦN PHƯƠNG THẢO (sinh viên tình nguyện tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tren-tuyen-dau-chong-dich/nhat-ky-doi-mat-covid-19/27-ngay-lam-chien-si-cua-nu-sinh-giau-cha-me-tinh-nguyen-vao-tam-dich-662663