Năm 2025, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có gì mới?

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố lịch thi và những điểm mới trong kỳ thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức năm 2025.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025 sẽ có 6 đợt thi, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi đợt dự kiến từ 10.000 đến 15.000 lượt.

Về địa điểm, kỳ thi sẽ diễn ra tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng...

Lịch các đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2025 dự kiến như sau:

Ảnh: báo Lao Động

Ảnh: báo Lao Động

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh đạt được theo Chương trình GDPT và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.

Theo đó, dạng thức và câu hỏi thi, đề thi năm 2025 sẽ được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để không gây xáo trộn việc dạy và học bậc THPT. Cùng đó sẽ có những thay đổi về chất lượng câu hỏi.

Ông Thảo cho biết, độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%.

Cấu trúc đề thi gồm 3 phần:

- Phần 1 (Toán học và xử lí số liệu/Tư duy định lượng): 75 phút, 50 câu hỏi (trong đó 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 15 câu hỏi điền đáp án, chưa bao gồm câu hỏi thử nghiệm không tính điểm); thang điểm 50.

- Phần 2 (Văn học - Ngôn ngữ/Tư duy định tính): 60 phút, 50 câu hỏi (trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn) trong đó có 25 câu hỏi đơn và 5 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 5 câu hỏi, chưa bao gồm câu hỏi thử nghiệm không tính điểm); thang điểm 50.

- Phần 3 (thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh): 60 phút, 50 câu hỏi (trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và điền đáp án, chưa bao gồm câu hỏi thử nghiệm không tính điểm), thang điểm 50.

Với phần thi Khoa học, thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Mỗi chủ đề có từ 16 đến 17 câu hỏi, trong đó có các câu hỏi đơn và từ 1 đến 2 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 3 câu hỏi.

Trong một lựa chọn, hai chủ đề thuộc cùng lĩnh vực (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) có 17 câu hỏi/1 chủ đề, chủ đề còn lại có 16 câu hỏi và kèm theo 1 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các chủ đề Vật lí, Hóa học, Sinh học có tối thiểu 1 câu hỏi điền đáp án/1 chủ đề.

Còn phần thi tiếng Anh sẽ gồm 50 câu trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn trong đó có 35 câu hỏi đơn và 3 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 5 câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp, diễn đạt trong văn bản viết, đọc hiểu văn bản, tình huống…

Phần thi tiếng Anh được thiết kế phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Về tổng quan, kiến thức trong đề thi sẽ phân bổ tương đối như sau: lớp 10 khoảng 10%; lớp 11 khoảng 30%; lớp 12 khoảng 60%.

Riêng chủ đề Vật lý, Sinh học có thể thay đổi trong khoảng 5% theo phân bổ chương trình giữa các lớp. Phần thi tiếng Anh kiến thức trong chương trình lớp 12 là khoảng 45%; kiến thức tổng hợp, vận dụng bậc cao trong chương trình là khoảng 15%.

GS Thảo cho biết thêm, từ năm 2025, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao.

Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi chất về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực.

Để hoàn thành tốt bài thi HSA, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý thí sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản, không học tủ, không học mẹo khi làm bài thi đánh giá năng lực.

Điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi Đánh giá năng lực.

Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi theo quy định.

Tổng điểm của toàn bài thi là 150 điểm dựa trên tổng số câu trả lời đúng của thí sinh. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm.

Điểm của bài thi là tổng điểm của 3 phần thi, trong đó mỗi phần thi tối đa 50 điểm. Bảng điểm kết quả bao gồm điểm tổng (tối đa 150 điểm) và 3 đầu điểm thành phần: Toán học và Xử lý số liệu (tư duy định lượng), Văn học - Ngôn ngữ (tư duy định tính), Khoa học hoặc tiếng Anh.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Lao Động)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nam-2025-de-thi-danh-gia-nang-luc-cua-dh-quoc-gia-ha-noi-co-gi-moi-204240901092509436.htm