Thay đổi cách giáo dục từ... căn bếp

Theo tác giả Phan Chánh Dưỡng, nếu đã quản trị cuộc đời mình được thì việc quản lý những điều lớn lao sẽ không khó. Ông mong phụ huynh dạy con cách quản trị cuộc đời từ căn bếp của gia đình.

Tại sự kiện ra mắt cuốn sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng (diễn ra hôm 31/8 tại TP.HCM), tác giả Phan Chánh Dưỡng chia sẻ rằng giáo dục cần có sự quan tâm của người quản lý giáo dục, của phụ huynh, chứ không thể phụ thuộc, phó mặc hoàn toàn cho nhà trường. Ngoài ra, ngành giáo dục nên tìm hiểu cặn kẽ tận gốc “căn bệnh” của mình để “kê đúng toa thuốc”, không máy móc áp dụng một phương pháp vay mượn từ một quốc gia có điều kiện, hoàn cảnh khác với mình.

Trong kinh tế và chính sách công, Phan Chánh Dưỡng được biết tới như một chuyên gia chủ chốt của Nhóm Tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng; người đóng vai trò cố vấn mang lại nhiều thành tựu phát triển cho TP.HCM trong giai đoạn Đổi Mới. Trong giáo dục, Phan Chánh Dưỡng còn được biết đến như một “người-tự-học-chuyên-nghiệp”, một giáo sư Vật lý, một Giảng viên Thực tiễn của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Từ chính kinh nghiệm cá nhân của cuộc đời mình từ lúc còn trẻ đến tuổi trưởng thành, tuổi già về thực hành giáo dục, cùng những trăn trở, thao thức trước bức tranh giáo dục còn bất cập, ngổn ngang hiện nay, tác giả Phan Chánh Dưỡng đã cô đọng thành một cuốn sách “nhàn đàm” dày 268 trang.

 Tác giả Phan Chánh Dưỡng (trái) tại tọa đàm ra mắt sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng.

Tác giả Phan Chánh Dưỡng (trái) tại tọa đàm ra mắt sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng.

Tự học và giáo dục gia đình rất quan trọng

Tác giả nhận rằng gốc rễ của mình là một người học hết tiểu học rồi "chạy giặc" trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mãi sau năm 1975, kết thúc chiến tranh, ông mới tin rằng mình đã “thoát khỏi cái chết của cuộc chiến” và bắt đầu bước vào xã hội mới với tinh thần của một sinh viên tốt nghiệp đại học.

Không còn phải chạy ăn từng bữa, lo lắng mình không nuôi được mình, ông bắt đầu nghĩ đến việc nên làm gì để giải quyết cuộc sống của mình và đóng góp được cho xã hội. Và theo ông, đóng góp lớn nhất cho xã hội chính là giáo dục, giáo dục cho trẻ em chưa được học trường lớp đàng hoàng và cho cả người đã trải qua trường lớp thì nên tự học như thế nào.

Ông nhắn nhủ các phụ huynh nên giáo dục con mình tự lập, tự quản lý một cách độc lập cuộc đời của mình ngay từ lúc mới bước vào tiểu học: “Nếu đã quản trị cuộc đời mình được thì việc quản lý những điều lớn lao hơn sẽ là điều dễ dàng. Tôi mong rằng, phụ huynh học sinh nên quan tâm đến quản lý cuộc đời từ cái nhà bếp của gia đình chúng ta”.

Phan Chánh Dưỡng cũng nhấn mạnh rằng trẻ nhỏ nên được bồi đắp tinh thần tìm tòi, tò mò, ham mê hiểu biết từ nhỏ. Từ đó, trên hành trình thu nhận tri thức, người học sẽ suy ngẫm, mở rộng từ những điều được dạy chứ không gói gọn trong những gì bày đặt ra sẵn cho mình.

 Sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng. Ảnh: P.B.

Sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng. Ảnh: P.B.

Bắt đúng bệnh, kê đúng toa cho giáo dục

Ông nhận định người làm giáo dục nước nhà rất quan tâm, đưa mô hình tâm lý giáo dục của các nước Âu, Mỹ, Nhật… về Việt Nam: Biết bao lần cải cách giáo dục, mỗi lần ta đều kỳ vọng mang lại phát triển vượt bậc, nhưng bẵng đi rồi lại có cuộc cải cách mới. “Dường như cải cách giáo dục nhiều đến mức tôi bây giờ cũng không nhớ là bao nhiêu lần, mà bây giờ vẫn tiếp tục còn cải cách”, ông nói.

Nghiền ngẫm điều này, ông cho rằng nếu chỉ xét bài học ta đưa về từ nước ngoài trên mặt lý thuyết ta thấy cũng không có gì sai. Nhưng theo ông, cải cách giáo dục là “tìm toa thuốc để trị căn bệnh lạc hậu của mình”. Nhẽ ra mình phải biết mình yếu cái gì nhưng “thường thường ít ai nghiên cứu mà mình lại đi tìm toa thuốc các nước phát triển đã sử dụng đem về áp vào nước mình”.

Nhược điểm của giáo dục hiện tại xuất phát từ trình độ phát triển kinh tế: “Trình độ phát triển kinh tế của ta tạo ra tâm lý mong mỏi của dân ta”.

Ông góp ý rằng nếu ta đang ở tình trạng “thiếu dinh dưỡng”, thì phải xem xét rằng ta thiếu chất gì, ở đâu, tất cả cải cách phải bắt đầu từ thực tiễn tình hình tại đất nước.

Phan Chánh Dưỡng đánh giá cao tầm quan trọng của sự đa dạng trong hệ thống giáo dục. Cần thiết đầu tư cho sinh viên ở các ngành thường bị cho là thiếu thực tế, ra trường không có công ăn việc làm như khảo cổ, bảo tồn: "Một đất nước không thể thiếu những ngành này, ta phải ưu tiên vì ngành nó giữ cho nền tảng văn hóa". Vai trò của giáo dục là đầu tư và tạo điều kiện cho những ngành này, vì đó là "điều đất nước cần", có giá trị bền bỉ, lâu dài.

Từ kinh nghiệm cho năm người cháu đi học của mình, ông cũng khuyến cáo phụ huynh nên theo sát con em, không thể phó mặc cho nhà trường. Tác giả dẫn chứng thực tế đáng buồn rằng một số cháu ông theo học chương trình quốc tế, tuy họ dạy tiếng Anh giỏi nhưng tiếng Việt và Toán lại kém.

Theo ông, chương trình giáo dục tại một số trường quốc tế cũng tích hợp nhiều kiến thức vượt quá tầm tri nhận của trẻ còn quá nhỏ, ví dụ như kiến thức về giới với 17 phân loại giới tính hay về tình hình chiến sự thế giới... dễ khiến trẻ hoang mang. Ông nhấn mạnh, phụ huynh cần theo sát để biết con em mình được dạy gì, học gì ở trường.

Trong Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng, Phan Chánh Dưỡng chú trọng các nền tảng đạo lý truyền thống Việt Nam nhưng cũng trình bày một nhãn quan mở khi cho rằng trong kỷ nguyên công nghệ, “mục tiêu và phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi”.

Cuốn sách không có tham vọng trở thành một cẩm nang mô phạm hay đưa ra phát kiến lý thuyết, tuyên ngôn triết lýgiáo dục nào cả, nhưng là để kể lại một cách khiêm tốn về mô hình giáo dục của một người coi việc học gắn liền với sự thăng tiến về phẩm giá, sống hài hòa và tìm được hạnh phúc.

Sách chia làm 7 phần, trình bày quan điểm của tác giả về vấn đề giáo dục ở các giác độ, lần lượt là: vai trò gia đình; vai nhà trường; vai trò xã hội; vai trò bản thân; đặc thù của cộng đồng và cá nhân đóng góp cho nền giáo dục; tầm nhìn giáo dục trong tương lai; và, như một phụ lục cuối sách với 15 bài báo tuyển chọn nhất quán chủ đề giáo dục từ 1981-2004.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-doi-cach-giao-duc-tu-can-bep-post1495062.html