27 thửa đất quận Hà Đông sắp 'lên sàn' đấu, màn trả giá xuyên đêm có lặp lại?
Sau hơn 1 tháng tạm dừng, phiên đấu giá 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), theo kế hoạch sẽ tổ chức vào 19/10 với ít nhất từ 5-11 vòng đấu.
Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia vừa thông báo đấu giá 27 thửa đất ở tại các vị trí: Khu xứ đồng Hạ Khâu, khu Đống Đanh - Đồng Cộc, khu Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (khu B, phường Phú Lương); khu Sau Chùa (ký hiệu X8, phường Yên Nghĩa); khu Dược (ký hiệu X7, phường Dương Nội), quận Hà Đông.
Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 48-72m2, giá khởi điểm từ gần 22,8-32,2 triệu đồng/m2. Tiền đặt cọc mỗi lô dao động từ hơn 200 triệu đồng đến hơn 400 triệu đồng.
Trước đó, phiên đấu giá 27 thửa đất này từng được dự kiến tổ chức vào ngày 7/9, nhưng đã bị tạm dừng theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông cách đây khoảng hơn 1 tháng.
Theo kế hoạch mới nhất, cuộc đấu giá vẫn được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng và tối thiểu qua 5-11 vòng đấu bắt buộc.
Cụ thể: 17 thửa đất tại khu Hạ Khâu đấu giá tối thiểu qua 5 vòng đấu bắt buộc. 3 thửa đất khu Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men, khu Sau Chùa tối thiểu qua 6 vòng đấu bắt buộc. Số vòng đấu bắt buộc tối thiểu tại 6 thửa khu Dược là 7 vòng.
Đáng chú ý, 1 thửa khu Đống Đanh - Đồng Cộc, diện tích 57,5m2 có giá khởi điểm 32,2 triệu đồng/m2 sẽ được đưa ra đấu giá tối thiểu qua 11 vòng đấu bắt buộc.
Giá khởi điểm từ vòng đấu giá số 2 trở đi được xác định là giá trả hợp lệ cao nhất ở vòng đấu giá liền trước. Trường hợp tại vòng đấu trước liền kề mà giá trả hợp lệ cao nhất bằng giá khởi điểm của vòng đấu giá thì giá khởi điểm của vòng đấu tiếp theo bằng giá khởi điểm của vòng đấu trước liền kề cộng thêm một bước giá.
Bước giá áp dụng chung đối với các thửa đất và trong các vòng đấu giá là 10 triệu đồng/m2.
Hình thức đấu nhiều vòng bắt buộc giống như phiên đấu giá đất tại Hoài Đức đã kéo dài trong gần 20 tiếng đồng hồ, từ sáng 19/8 đến rạng sáng 20/8, qua 9 vòng đấu (với 6 vòng bắt buộc) mới kết thúc.
Thậm chí, theo đánh giá của giới bất động sản, nếu tổ chức như dự kiến phiên đấu giá tại Hà Đông có thể kéo dài hơn các phiên đấu giá đất tại Hoài Đức. Bởi, giá khởi điểm của các lô đất thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung trong khu vực, trong khi đó có lô đất phải đấu tối thiểu 11 vòng.
Liên quan đến vấn đề đấu giá đất, mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã trong đó UBND TP lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Đánh giá về thực trạng trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế, tiêu cực như một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Theo Bộ Xây dựng, có hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Hay việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều hơn, thậm chí mang tính tổ chức.
Cơ quan quản lý đánh giá, kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động tiêu cực đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản.