3,3 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ: Khủng hoảng kinh tế vì COVID-19 mới chỉ bắt đầu
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ kết thúc khi đại dịch COVID-19 được ngăn chặn.
40 triệu dân Mỹ có thể mất việc làm
3,3 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp được ghi nhận hôm thứ Năm đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng kinh tế mà các công nhân và doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt.
Nền kinh tế đã bước vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng mang theo ký ức về cuộc Đại khủng hoảng - sự kiện đã tàn phá rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng, gây ra chuỗi phá sản và tổn thất tài chính nghiêm trọng cho các công ty lớn và nhỏ. Cuộc khủng hoảng dựa trên tốc độ cũng như cách thức lan truyền của một con virus. Đây là một khủng hoảng kéo dài hay chỉ là một sự suy thoái ngắn? Đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Các nhà kinh tế học nhìn nhận báo cáo thất nghiệp là khởi đầu của một sự gia tăng đột biến số người thất nghiệp. Dự đoán rằng, tính tới giữa tháng Tư, có thể sẽ có tới 40 triệu dân Mỹ mất đi việc làm.
Theo nhà kinh tế học Martha Gimbel của Schmidt Futures, mặc dù chưa có số liệu chính thức, tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới ít nhất 5,5% trong khi con số này chỉ là 3,5% từ hồi tháng Hai. Đây là một con số chưa từng thấy kể từ năm 2015.
"Điều đáng sợ nhất đó là đây có thể chỉ là sự khởi đầu của việc sa thải công nhân của các doanh nghiệp", ông Gimbel nói.
Khủng hoảng chỉ có khả năng được cải thiện một phần bởi dự luật kích thích kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ USD mà Thượng viện đã thông qua vào tối thứ Tư và Nhà Trắng đang phê duyệt vào thứ Sáu.
Theo đó, mỗi người Mỹ sẽ được cung cấp một khoản hỗ trợ trị giá 1200 USD và các doanh nghiệp được hỗ trợ tới hàng tỷ khoản vay với chi phí thấp. Điều này có thể duy trì cuộc sống của công nhân cũng như doanh nghiệp đang đối mặt với khủng hoảng. Nhưng, nó không thể ngăn chặn được suy thoái nghiêm trọng nếu bệnh dịch tiếp tục kéo dài trong hơn một hoặc hai tháng nữa.
Nhiều người nghĩ rằng suy thoái có nguồn gốc từ kinh tế, tuy nhiên, điều này không đúng. Suy thoái đến từ việc chúng ta đang hạn chế tiếp xúc." - theo Aparna Mathur, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Phần lớn các quốc gia phải đưa ra lựa chọn đau lòng là kìm hãm các hoạt động kinh tế và khuyến khích người dân làm việc ở nhà.
Trợ cấp thất nghiệp trung bình hiện tại là 385 USD/ tuần. Khoản tiền này ít hơn một nửa thu nhập trung bình hàng tuần của dân Mỹ. Con số này sẽ tăng lên là 600 USD sau khi Tổng thống Trump ký thông qua dự luật kích thích kinh tế. Số tiền tăng lên là để hỗ trợ những người dân lao động đang buộc phải ở nhà.
Hệ thống quá tải, tiền hỗ trợ không đến kịp
Nhưng lại có một quan ngại khác về việc liệu số tiền trên có đến được tay người lao động kịp thời?
Ngay cả các doanh nghiệp được coi là thiết yếu và vẫn được hoạt động, cuộc sống của họ cũng thay đổi đáng kể. Scott DeHenau - chủ điều hành công ty Pak-Rite tại Wixom, Mich., cho biết công ty ông vẫn hoạt động vì công ty cung cấp sản phẩm cho Y tế và Quốc phòng.
Tất cả công nhân đều phải kiểm tra thân nhiệt trước khi vào nhà máy. Ông đã có cuộc trao đổi với công nhân về việc có nên liều mạng đi làm trước tình hình dịch bệnh. Hiện tại, công nhân phải làm việc hai ca một ngày và phải đảm bảo đứng cách xa nhau 10 feet (khoảng 304,8cm). Giữa mỗi ca làm việc, công ty phải cho khử trùng toàn bộ cơ sở vật chất: tay nắm cửa, sàn nhà, nhà vệ sinh, dụng cụ.
Mặc cho tất cả những cố gắng, doanh thu công ty vẫn giảm 40% so với cùng kì năm ngoái. Một số khách hàng đã hủy đơn vào phút cuối. Nguồn cung cấp từ châu Á đã cạn kiệt, và đôi lúc quá trình vận chuyển bị gián đoạn do công ty vận tải không có đủ khả năng vận chuyển hoặc thiếu lái xe đủ điều kiện sức khỏe.
"Covid-19 thực sự là gánh nặng cho chúng tôi. Chúng tôi không có nhiều tiền dự trữ.", DeHenau nói. Ông đã đăng ký một khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vào tuần này. Nhưng hệ thống quá tải khiến ông chỉ kịp đăng ký tài khoản trước khi hệ thống này đóng băng. Gần đây, ông đã sa thải khoảng 30 công nhân. Tất cả mọi người đều xác định, cuộc khủng hoảng này, sẽ không biến mất ngày một ngày hai.
Theo ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế tại RSM, một công ty kiểm toán chuyên làm việc cho các công ty quy mô vừa cho biết: "Doanh nghiệp càng nhỏ, ảnh hưởng càng lớn. Hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ, đôi khi tới nơi đã là quá muộn."
Đối với thị trường bất động sản, có rất nhiều doanh nghiệp tuyên bố có thể sẽ ngừng trả tiền thuê mặt bằng các nhà máy và cửa hàng trên toàn quốc bởi viện trợ quốc gia có thể sẽ không đến kịp tay họ trước hóa đơn hàng tháng vào ngày 1 tháng Tư tới. Thị trường bất động sản đã giảm tới 60% trong năm nay.
Một dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng khác đó là một số công ty đã bắt đầu cắt giảm lương công nhân. Công ty Dầu khí Occidental Petroleum đã cắt giảm 30% lương của tất cả công nhân. Các doanh nghiệp khác cũng manh nha làm điều tương tự với lý do cắt lương thì tốt hơn là sa thải. Hành động cắt giảm lương là một con đường khác dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng quỹ đạo của nền kinh tế sau nhiều năm tăng ổn định. Nhiều người có thể sẽ phải quay lại mức chi tiêu trước đây, ngay cả khi vẫn giữ được công việc.
Chúng ta chưa biết con số thất nghiệp của tuần tới và tuần tiếp theo đó. Trong khi con số 3.3 triệu lá đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là một con số gây shock, nó mới chỉ phản ánh số lượng nhỏ người bị mất việc làm trong khủng hoảng vừa mới diễn ra gần đây.
Tổng thống Trump đã tranh luận về việc cố gắng để đất nước hoạt động trở lại bình thường vào trước dịp lễ Phục sinh, nhưng các nhà kinh tế và chuyên gia y tế lo ngại điều đó có thể gây ra nhiều tổn thất về cuộc sống và thậm chí sẽ kéo dài thời kỳ suy thoái nếu số lượng người nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng thêm.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trên truyền hình vào sáng thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome H. Powell đã trả lời NBC’s rằng hiện tại quốc gia có thể đang trong thời kỳ suy thoái, nhưng an toàn phải là mối quan tâm hàng đầu. Ưu tiên số một phải là kiểm soát virus, sau đó mới được tiếp tục hoạt động kinh tế.