3 bảo tàng lớn ở Mỹ che giấu tác phẩm bị đánh cắp

Một cáo buộc đang nhắm đến 3 bảo tàng lớn tại Mỹ, cho rằng họ đang che giấu vụ trộm tranh kính tại Nhà thờ Rouen (Pháp).

Hiệp hội Lumìere sur le patrimoine ở Paris (Pháp) đã đệ đơn kiện 3 bảo tàng Mỹ, bao gồm cả Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, vì đã che giấu vụ trộm cửa kính từ Nhà thờ Rouen (Pháp) vào tháng 12/2023, Ouest-France đưa tin.

Theo lời khai bằng văn bản, nhà khảo cổ học và sử học nghệ thuật Jean Lafond (qua đời vào năm 1975) đã lập danh sách một loạt các cửa kính thuộc Nhà Thờ Rouen vào năm 1911. Sau đó đến năm 1931, nhiều người phát hiện các tấm tranh kính màu sắc của nhà thờ đã bị biến mất.

5 trong số 6 cửa sổ này được cho là đã được bán ở chợ nghệ thuật Paris trước khi có người phát hiện ra sự biến mất của chúng.

Các tấm cửa sổ mô tả tác phẩm Seven Sleepers of Ephesus, một truyền thuyết nổi tiếng. Trong đó, các binh sĩ Kitô giáo ngủ gục trong một hang động gần Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ) và tỉnh dậy gần 200 năm sau đó.

 Bức tranh kính mô tả truyền thuyết Seven Sleepers of Ephesus nằm trong Nhà thờ Rouen đã bị đánh cắp. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Bức tranh kính mô tả truyền thuyết Seven Sleepers of Ephesus nằm trong Nhà thờ Rouen đã bị đánh cắp. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Các tác phẩm này được cho là đã được các nhà sưu tập người Mỹ mua trước khi chúng được đưa vào bộ sưu tập của tổ chức Bảo tàng Glencairn ở Pennsylvania; Bảo tàng Worcester ở Massachusetts; Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Philippe Machicote, chủ tịch hiệp hội, đang ra sức đấu tranh để những tác phẩm nghệ thuật này được trả lại cho quốc gia họ.

Tháng 9/2023, ông Machicote cũng cố gắng buộc nhà đấu giá Sotheby's phải chịu trách nhiệm về việc đã bán hai cửa sổ kính màu từ Nhà thờ Đức Bà ở Paris vào năm 1862, nhưng văn phòng công tố Paris không công nhận kháng cáo.

Văn phòng công tố ở Rouen còn 2 tháng để đưa ra quyết định về cửa sổ kính màu của Nhà thờ Rouen.

 Một bức tranh kính trong nhà thờ Gedächtnis ở Speyer (Đức). Ảnh: Roman Eisele.

Một bức tranh kính trong nhà thờ Gedächtnis ở Speyer (Đức). Ảnh: Roman Eisele.

Từ thế kỷ thứ 10, tranh kính không chỉ được xem là biểu tượng tôn giáo mà bắt đầu được coi như một lĩnh vực nghệ thuật, chủ yếu phục vụ cho các công trình kiến trúc Kitô giáo.

Những bức tranh kính hoành tráng có khả năng tỏa sáng nhờ ánh sáng tự nhiên đã tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, huyền bí và làm cho các thánh đường trở nên linh thiên hơn.

Các thiết kế của một cửa sổ tranh kính có thể trừu tượng hoặc tượng hình, kết hợp những câu chuyện rút ra từ Kinh Thánh, lịch sử và văn học nhằm miêu tả Chúa Giêsu, Đức mẹ, các thiên thần, thánh bảo hộ… Đến nay, những bức tranh kính tại các nhà thờ đã phản ánh sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa qua các thời kỳ lịch sử.

Vì được xem như một tác phẩm nghệ thuật giá trị cao, những bức tranh kính của các nhà thờ thường xuyên rơi vào tầm ngắm của kẻ trộm.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/3-bao-tang-lon-o-my-che-giau-tac-pham-bi-danh-cap-post1455793.html