Ninh Bình: Độc đáo vườn chim tự nhiên lớn nhất miền Bắc

Hoang sơ, thanh bình, đặc sắc là những từ ngữ chính xác mà mỗi du khách đến với vườn chim Thung Nham (Ninh Bình) phải thốt lên khi được trải nghiệm vẻ đẹp của hàng nghìn con chim và sự đa dạng sinh học nơi đây.

Cảnh hàng nghìn con chim chao liệng trước khi đáp xuống tổ và chỗ trú ngụ ở Vườn chim Thung Nham.

Cảnh hàng nghìn con chim chao liệng trước khi đáp xuống tổ và chỗ trú ngụ ở Vườn chim Thung Nham.

Ẩn mình giữa những núi đá vôi trùng điệp tạo thành bức tường tự nhiên che chắn gió, nơi đây trở thành ngôi nhà lí tưởng cho các loài chim tìm đến cư trú và sinh sôi. Số lượng chim ở đây lên đến hàng nghìn con, với khoảng 5.000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ. Đến với Thung Nham, du khách được tận mắt nhìn ngắm từng đàn chim cả trăm đôi cánh chao liệng trên bầu trời và đắm mình vào khung cảnh núi non đại ngàn, bát ngát, đây là trải nghiệm tuyệt vời mà ai cũng nên thử ít nhất một lần trong đời.

Vườn chim Thung Nham hiện là nơi cư trú và sinh sống của đa dạng các loại chim như: Cò, vạc, diệp, le le, mòng két, chích chòe lửa, cho tới sáo đá… Đặc biệt, nơi đây có hai loài chim quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là Hằng Hạc và Hồng Hoàng (Phượng Hoàng đất). Trong đó, Hồng Hoàng hay còn gọi là Phượng Hoàng đất là linh vật nằm trong bộ tứ linh Long – Ly – Quy - Phượng của cư dân châu Á. Loài chim này thường được nhắc đến như biểu tượng của sự cao quý và đức hạnh, có sức mạnh hồi sinh và đem lại điềm báo về hòa bình thịnh vượng cho quốc gia.

Các loài chim sinh sống ở đây dường như có sự quy ước, phân chia lãnh thổ rõ ràng. Trên các vách núi cao là các loài hạc, diệc; trong các bụi tre tầm trung là nơi ở của cò trắng, còn vạc thì thì chia nhau làm tổ khắp các bụi lau sậy, tầm sấp mặt nước.

Số lượng chim ở Thung Nham lên đến hàng nghìn con, với khoảng 5.000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ.

Số lượng chim ở Thung Nham lên đến hàng nghìn con, với khoảng 5.000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ.

Vào mùa cao điểm sinh sản từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, số lượng đàn tập trung trong vườn lên đến cả triệu con. Mỗi buổi hoàng hôn, từ khắp các cánh đồng vàng ươm lúa chín, các đàn chim lũ lượt bay về tổ. Chúng chao liệng rợp trời trên không trung, đập cánh trong nắng chiều rực rỡ, ríu rít gọi nhau bằng hàng trăm thanh âm lảnh lót, kích thích cả thị giác lẫn thính giác của du khách, tạo nên khung cảnh kỳ vỹ tuyệt đẹp, khiến ai có cơ hội được chiêm ngưỡng một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Vườn chim Thung Nham tọa lạc giữa hồ Tiên xanh mát, diện tích rộng khoảng 18ha. Nước ở đây luôn trong xanh bốn mùa, mực nước dao động từ 3–4m. Từ xa xưa, hồ nước tự nhiên này đã có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Không chỉ là nơi đem đến lượng lớn thủy sản mà hồ Tiên còn được người dân tôn thờ, coi như chốn linh thiêng.

Bà Trần Thị Thanh Lan, Trưởng phòng Kinh doanh Khu du lịch sinh thái Thung Nham cho biết: Đây được coi như là một khu bảo tồn thiên nhiên hiếm có khi vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Cùng với môi trường sống trong lành lý tưởng, đất lành chim đậu, Thung Nham hiện là vườn chim tự nhiên lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh thực trạng môi trường, hệ sinh thái ngày càng ô nhiễm và không gian sinh sống tự nhiên của các loài bị thu hẹp, trong suốt nhiều năm qua, chính quyền địa phương và Ban Quản lý khu du lịch đã, đang và luôn luôn tích cực bảo tồn, bảo vệ cho vườn chim hoang dã tự nhiên này có môi trường sống lý tưởng nhất, ít ảnh hưởng bởi con người nhất.

Du khách muốn chiêm ngưỡng, khám phá tập tính, vẻ đẹp của các loài chim trong Vườn chim Thung Nham trọn vẹn nhất trong ngày có thể tham quan lúc sáng sớm khi đàn chim rời tổ bay đi kiếm ăn, hoặc lúc chiều muộn hàng nghìn con chim sẽ bay về tổ, đáp xuống những cành cây, cho lũ chim con ăn và nghỉ ngơi sau một ngày dài.

Anh Tú

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ninh-binh-doc-dao-vuon-chim-tu-nhien-lon-nhat-mien-bac-378423.html