3 'chiêu' để hạn chế doanh nghiệp 'bẻ kèo', nông dân chạy làng
Chuỗi liên kết doanh nghiệp - nông dân còn lỏng lẻo. Khi thì doanh nghiệp 'bẻ kèo' nông dân, khi thì nông dân chạy làng doanh nghiệp. 3 chiêu hay được chuyên gia mách nước nhằm hạn chế bẻ kèo.
Tỷ lệ "bẻ kèo" cao
Vấn nạn "bẻ kèo" trong liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp diễn ra đã nhiều năm, hiện vẫn khá phổ biến.
Tại diễn đàn Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 29/8, GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nêu vấn đề: “Khi doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua nông sản với nông dân, giá chỉ ở mức 7.000 đồng/kg, nhưng tới khi thu mua thực tế, giá thị trường tăng lên 10.000 đồng/kg. Doanh nghiệp chỉ chấp nhận trả đúng mức tiền đã ký trong hợp đồng. Nông dân không chịu nên bẻ kèo”.
Ông Viên nhận định, chuỗi liên kết nông nghiệp hiện hết sức lỏng lẻo, không có cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý. Tỷ lệ bẻ kèo tương đối cao. Khi thì doanh nghiệp bẻ kèo nông dân, khi thì nông dân chạy làng doanh nghiệp.
“Theo đánh giá chung, tỷ lệ liên kết bền chắc mới chỉ đạt khoảng 30%. Riêng với ngành lúa gạo, cao nhất cũng chỉ đạt 70%”, ông Viên cho hay.
Ông Ngô Sỹ Đạt, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, lưu ý một trong những giải pháp hạn chế bẻ kèo là chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp và nông dân nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký.
“Vẫn có tình trạng ký hợp đồng cho vui, ký để luồn lách nhằm hưởng thụ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, sau đó không ai giám sát quá trình thực hiện hợp đồng”, ông Đạt phản ánh.
Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp nêu 3 hướng tạo liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân.
Một, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông dân về giống, vật tư phân bón, kỹ thuật... Doanh nghiệp có thể đầu tư cho nông dân thông qua hợp tác xã. Nhiều doanh nghiệp, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm tốt việc này. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời, các hộ nông dân sử dụng dịch vụ hỗ trợ của Lộc Trời khó có thể bẻ kèo.
Hai, chính quyền địa phương đứng ra làm trọng tài giữa doanh nghiệp với hợp tác xã/hộ nông dân. Khi đó, số lượng doanh nghiệp bị bẻ kèo sẽ giảm.
Ba, doanh nghiệp ký quỹ với ngân hàng, nếu bẻ kèo sẽ bị mất tiền.
Còn ít doanh nghiệp – hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết
Nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98 với rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi.
Chẳng hạn, chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.
Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.
Các bên tham gia liên kết còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nội dung như: hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã; hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi...
"Thế nhưng qua khoảng 7 năm, tới nay, cả nước cũng chỉ mới có 4.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết (khoảng 1/5 tổng số hợp tác xã nông nghiệp); xấp xỉ 1,2% tổng số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho nông nghiệp. Trong đó, chỉ khoảng 25% doanh nghiệp nông lâm nghiệp tham gia chuỗi liên kết; khoảng 14% tổng số nông sản tham gia chuỗi liên kết, đồng nghĩa hơn 80% nông sản vẫn trôi nổi trên thị trường, phần thiệt thuộc về nông dân nếu có rủi ro trong khâu tiêu thụ”, ông Viên phản ánh kết quả khiêm tốn.