3 công khai và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục Đại học

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường buộc phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng GD, tỉ lệ SV có việc làm, nguồn thu, mức học phí...

Đoàn đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn kiểm định châu Âu HCERES khảo sát phòng máy tính tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Đoàn đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn kiểm định châu Âu HCERES khảo sát phòng máy tính tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Thế nhưng, không phải phụ huynh và sinh viên nào cũng dễ dàng tìm thấy thông tin này để tham khảo, chưa kể là mỗi trường công khai mỗi kiểu.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Hầu hết website của các cơ sở giáo dục đại học đều có mục Ba công khai, hoặc thông tin công khai. Thế nhưng, nội dung công bố lại có sự khác biệt.

GS.TS Trần Văn Nam cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và phải có chế tài đủ mạnh để bắt buộc các trường đại học thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu Ba công khai.

Các thông tin Ba công khai sẽ giúp xã hội thực hiện trách nhiệm giám sát đối với các cơ sở giáo dục đại học và cũng là một kênh tham khảo để người học xác thực thông tin.

Website của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã đăng tải nội dung Ba công khai của năm học 2024 - 2025. Trong đó, gồm biểu mẫu 17 công khai cam kết chất lượng đào tạo, 18 công khai chất lượng đào tạo thực tế, 19 công khai thông tin cơ sở vật chất, 20 công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu, 21 công khai tài chính của trường.

Đây cũng là các nội dung của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế nhưng trường này mới chỉ thực hiện cho năm học 2023 - 2024. Website của Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, Đại học Quang Trung chưa có thông tin công khai cho năm học 2024 - 2025.

Trong khi đó, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, thông tin Ba công khai của năm học 2023 - 2024 chỉ đăng tải nội dung của biểu mẫu số 3 về Các điều kiện đảm bảo chất lượng trong Đề án tuyển sinh năm 2023 gồm thông tin quy mô hình thức đào tạo chính quy, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, danh sách giảng viên. Ngoài ra, không có thông tin về tài chính, chất lượng đào tạo thực tế…. Nếu học sinh và phụ huynh muốn tham khảo về mức thu học phí, tỉ lệ sinh viên có việc làm… thì sẽ không có trong Ba công khai.

Trong Ba công khai của năm học 2022 - 2023, trường này cũng có cùng cách thông tin như vậy.

Website của nhiều cơ sở giáo dục đại học bố trí mục Ba công khai nằm ở giao diện trang chủ. Thế nhưng, một số trường, trong đó có Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, muốn tìm thông tin Ba công khai thì phải vào mục con của mục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đây cũng là cách bố trí của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Với thông tin tỉ lệ có việc làm của sinh viên, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng công bố chi tiết đến từng ngành đào tạo. Trong khi đó, các trường đại học khác chỉ công bố số liệu chung theo nhóm ngành.

Trong thông tin Ba công khai của Trường Đại học Đông Á, có thêm mục Niên giám thống kê giáo dục. Trường Đại học Duy Tân có mục Hồ sơ công khai, trong đó có các mục con như Ba công khai/Chuẩn đầu ra, Công khai mở ngành, Quy chế/Đề án tuyển sinh, ngành đào tạo, việc làm, kiểm định.

Với Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, ở mục con Công khai đảm bảo chất lượng, chỉ có báo cáo công khai năm học 2021 - 2022 và kết quả thực hiện quy chế công khai năm học 2019 - 2020. Trong mục này cũng chỉ mới thể hiện Kế hoạch số 677/KH-ĐHKT ngày 4/6/2024 về việc báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai năm học 2023 - 2024 chứ chưa có báo cáo.

 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng nhận quyết định đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng nhận quyết định đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo. Ảnh: NTCC

Cần áp dụng chế tài xử phạt

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT năm 2017 về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mới đây nhất, Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT đã quy định thời điểm đăng tải báo cáo Ba công khai là trước ngày 30/6 hằng năm.

Trường hợp nội dung công khai có thay đổi hoặc đến ngày 30/6 hằng năm chưa có thông tin do nguyên nhân khách quan hoặc quy định khác của pháp luật thì phải được cập nhật, bổ sung chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi thông tin hoặc từ ngày có thông tin chính thức.

Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT cũng quy định rất chi tiết nội dung cơ sở giáo dục đại học cần công khai. Chẳng hạn như trong thông tin về kết quả tuyển sinh và đào tạo hằng năm đối với từng trình độ đào tạo, tính cho toàn cơ sở giáo dục và phân theo lĩnh vực, ngành và hình thức đào tạo thì phải có cả tỉ lệ nhập học so với kế hoạch, tỉ lệ thôi học, tỉ lệ thôi học năm đầu, tỉ lệ tốt nghiệp trong thời gian không quá 2 năm so với kế hoạch học tập chuẩn và tỉ lệ tốt nghiệp đúng thời hạn.

PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết, theo quy định, việc thực hiện Ba công khai là yêu cầu bắt buộc với một cơ sở giáo dục đại học.

“Đây là một phương thức để các trường đại học thực hiện trách nhiệm tự giải trình với các bên liên quan bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước, người học và xã hội. Việc thực hiện báo cáo Ba công khai của các trường có liên quan đến quá trình kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định nhà trường và làm căn cứ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành học vào năm sau” - PGS.TS Lê Văn Huy nhận xét.

 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tiếp nhận Không gian sáng tạo số (Digital Hub) do doanh nghiệp hỗ trợ. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tiếp nhận Không gian sáng tạo số (Digital Hub) do doanh nghiệp hỗ trợ. Ảnh: NTCC

PGS.TS Đinh Thành Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) cho biết, với những quy định mới về công khai thông tin cơ sở giáo dục thì không chỉ dừng lại ở Ba công khai nữa mà là công khai nhiều thông tin. Nếu không có quy định thống nhất các nội dung cần công khai đi kèm với chế tài xử phạt thì gần như các trường sẽ chỉ công khai những thế mạnh của mình.

Chưa kể là có những thông tin công khai sẽ ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học. Chẳng hạn như với công khai về mức học phí, với những trường có mức học phí cao, người học sẽ dễ dẫn đến sự so sánh với các trường đại học khác có cùng ngành, nghề đào tạo. Thế nhưng, chỉ vài dòng ngắn trong công khai thông tin thì khó để thuyết phục được mức học phí cao còn liên quan đến mời giảng viên có trình độ cao, điều kiện dạy - học, thực hành…

Nhìn vào thông tin công khai của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là công khai về tài chính thì xã hội có thể giám sát được hoạt động của nhà trường. Dễ nhận thấy rằng, nguồn thu của các trường đại học chủ yếu là từ học phí. Các nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tài trợ, hợp tác với doanh nghiệp và các dịch vụ khác chiếm một tỉ trọng rất nhỏ. Đây là một gánh nặng cho người học.

GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận xét rằng, thời gian đầu, khi Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm tra việc các trường thực hiện Ba công khai thì gần như đơn vị nào cũng chấp hành tốt. Nhưng cùng với thời gian, khi việc thực hiện Ba công khai trên webisite của đơn vị đúng ra phải đi vào nền nếp thì có một số cơ sở giáo dục đại học lại thực hiện mang tính chất đối phó.

Giải thích về tình trạng này, PGS.TS Lê Văn Huy cho rằng, hàng năm, các trường đại học đều phải cập nhật những dữ liệu liên quan lên phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS) của Bộ GD&ĐT. “Tuy nhiên, đây là hệ thống thông tin dữ liệu nội bộ.

Trong khi đó, học sinh phổ thông, sinh viên, phụ huynh và doanh nghiệp… muốn tìm hiểu thông tin về trường thì chỉ có tiếp cận qua các kênh fanpage, website… Vì vậy, thực hiện đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của Ba công khai cũng trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học với các bên có liên quan” - PGS.TS Lê Văn Huy nhận xét.

Còn theo nhận định của GS.TS Trần Văn Nam thì dữ liệu tỉ lệ sinh viên có việc làm cũng góp phần giúp người học thấy được sức cạnh tranh của trường mình theo học trên thị trường lao động, cũng như xu hướng việc làm, ngành nghề theo học.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã quy định, tỉ lệ sinh viên khảo sát cần có phản hồi tối thiểu trên tổng số sinh viên tốt nghiệp theo từng ngành đào tạo. Ví dụ, với ngành học có từ 51 - 60 sinh viên tốt nghiệp thì kết quả khảo sát chỉ đạt yêu cầu khi có 87% số sinh viên khảo sát có phản hồi, tương đương 44 - 52 người. Nếu không đạt tỉ lệ này thì báo cáo của trường không đạt yêu cầu.

Phải chăng đây là một trong những lý do khiến cho nhiều trường công bố không đầy đủ; chưa kể là những con số về tỉ lệ sinh viên có việc làm không phản ảnh được trung thực tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Một chuyên gia trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại miền Trung cho biết, một số trường đại học tư thục, tuy số lượng bài báo công bố khoa học mỗi năm đều rất cao, thế nhưng, chỉ nhìn vào số đề tài nghiên cứu khoa học thì cho thấy có bất hợp lý. Số đề tài nghiên cứu khoa học các cấp ở những trường này rất ít.

Vị này đặt câu hỏi: “Kết quả đề tài nghiên cứu khoa học thể hiện qua các bài báo, nếu không thì rất khó để lý giải nguồn gốc của những bài báo đó. Hoặc là nhà trường không đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học mà chỉ thưởng cho giảng viên khi có bài báo công bố. Nếu như vậy, rõ ràng việc nghiên cứu khoa học không có được nền tảng vững chắc”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/3-cong-khai-va-trach-nhiem-xa-hoi-cua-co-so-giao-duc-dai-hoc-post700845.html