3 công nghệ quân sự hiện đại mà Nga ấp ủ để 'thay đổi cuộc chơi'
Gần đây, Nga đang đầu tư mạnh mẽ vào ba lĩnh vực then chốt của công nghệ quân sự hiện đại, bao gồm máy bay không người lái (UAV), trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí năng lượng định hướng (DEW).

Máy bay không người lái Okhotnik của Nga. (Nguồn: National Interest)
Là một phần trong chiến lược tái vũ trang quân sự quy mô lớn của đất nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thay đổi các ưu tiên sản xuất quốc phòng của Nga, trong đó tập trung vào tăng tốc máy bay không người lái (UAV), năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí năng lượng định hướng (DEW).
Xây dựng lực lượng máy bay không người lái hùng hậu
Trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng Nga, Tổng thống Putin khẳng định rằng máy bay không người lái đã định hình lại cuộc tác chiến hiện đại. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga thừa nhận tình trạng thiếu hụt máy bay không người lái cho các hoạt động chiến dịch quân sự do năng lực sản xuất không đáp ứng kịp nhu cầu hiện tại.
Một số máy bay không người lái phổ biến mà quân đội Nga đang sử dụng là Orlan-10, chủ yếu phục vụ nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) và tác chiến điện tử (EW). Loại máy bay không người lái này thường kết hợp với hệ thống Leer-3 để gây nhiễu tín hiệu di động của đối phương.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng từng triển khai máy bay không người lái chiến đấu tầm trung ở Syria và hiện nay trong các cuộc tấn công có mục tiêu ở Ukraine.
Ngoài ra, Nga cũng đang thử nghiệm máy bay không người lái chiến đấu hạng nặng mang tên Okhotnik (thợ săn). Hệ thống này được kỳ vọng có thể cạnh tranh với các máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ như Global Hawk.
Một mẫu máy bay không người lái đáng chú ý khác của Nga là Lancet. Được gọi là "đạn dược rình rập, lảng vảng", loại máy bay không người lái này đã được tích hợp AI và cho phép nhắm mục tiêu tự động. Lancet cũng có khả năng chống tác chiến điện tử và liên tục xuất hiện trên bầu trời xung đột Ukraine.
Tất nhiên, Lancet không phải là máy bay không người lái duy nhất trong kho vũ khí ngày càng tăng của Moscow được tích hợp AI. Nga còn sử dụng các máy bay không người lái như Rusak-S và Shahed do Iran chế tạo đều được trang bị khả năng dẫn đường tự động và nhận dạng mục tiêu, cho phép các hệ thống này xác định cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như nhà máy điện, ngay cả khi chúng hoạt động trong môi trường chặn sóng điện tử.

Hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa S-500 Prometey của Nga. (Nguồn: Sohu)
AI - Chìa khóa hiện đại hóa
Nga coi AI là chìa khóa cho quá trình hiện đại hóa quân đội nước này. Không chỉ tích hợp vào các loại thiết bị quân sự, Moscow còn đang triển khai ứng dụng AI trong các hệ thống chỉ huy và kiểm soát.
Trong bối cảnh các cuộc xung đột hiện nay khá coi trọng yếu tố thông tin và tốc độ, việc tích hợp AI vào các hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát) được Nga xem là biện pháp nhằm thống trị thông tin cũng như phá vỡ các hệ thống công nghệ của đối phương.
Về chỉ huy và kiểm soát, AI có thể được sử dụng để xử lý lượng lớn dữ liệu chiến trường, tăng tốc độ ra quyết định.
Điển hình là hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 Prometey, được cho là có mức độ tự động hóa cao, có khả năng xử lý và phân tích mục tiêu theo thời gian thực, tăng khả năng phản ứng trước các mối đe dọa từ không gian và tầm xa.
Chiến lược tác chiến không gian
Trong khi đó, vũ khí năng lượng định hướng (DEW) được xem là một phần trong những nỗ lực chiếm ưu thế trong chiến lược tác chiến không gian, chiến trường mới trong thế kỷ 21.
Từ năm 2018, Nga đã triển khai hệ thống laser mặt đất Peresvet, có khả năng vô hiệu hóa vệ tinh và cả máy bay không người lái.
Ngoài laser, Nga còn phát triển các vũ khí điện từ (EM) có khả năng phá vỡ thiết bị điện tử của đối phương. Các vũ khí điện từ này thường nhắm mục tiêu vào các hệ thống C4ISR và liên lạc vệ tinh.
Hiện nay, các nhà khoa học Nga cũng đang tìm hiểu xem liệu DEW có thể được khai thác cho các bộ nhiệm vụ chống vệ tinh (ASAT) hay không.
Điều này cho thấy mối quan tâm không nhỏ của Nga đối với DEW, kết hợp với sự phát triển AI và máy bay không người lái. Nếu được phát triển thành công, DEW có thể chặn đứng lợi thế công nghệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi dựa nhiều vào vệ tinh để hỗ trợ tác chiến, định vị và giám sát.
Sự tập trung của Nga vào DEW phản ánh nhận thức của Moscow về tầm quan trọng của chiến lược tác chiến không gian cũng như sự chuyển đổi sang hình thái chiến tranh thông tin kết hợp với chiến tranh mạng trong bối cảnh mới.
Với tầm nhìn đó, Nga có khả năng tiếp tục đạt được những bước tiến đáng kể trong 3 lĩnh vực công nghệ mới. Các hệ thống như Orlan-10 hay S-500 Prometey là minh chứng cho những tiến bộ thực tế, trong khi AI tăng cường tính tự chủ và hoạt động thông tin của quốc phòng Nga.
Hơn nữa, sức ép từ cuộc xung đột với Ukraine buộc Nga phải tăng tốc để rút ngắn khoảng cách với các đối thủ lớn như Mỹ và Trung Quốc trọng cuộc đua trên những lĩnh vực quan trọng này.
Có thể thấy, việc đặt trọng tâm vào 3 lĩnh vực trên cho thấy hướng tiếp cận toàn diện của Nga trong việc nâng cấp lực lượng vũ trang. Điều này cũng hứa hẹn cuộc đua gay cấn giữa các cường quốc nhằm chiếm ưu thế trong các lĩnh vực "át chủ bài" của ngành quốc phòng hiện đại.