Ông Trump nhận máy bay của Qatar, chính quyền Mỹ dậy sóng
Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ nhận chiếc máy bay Boeing 747-8 để sử dụng đã gây ra làn sóng tranh cãi mạnh mẽ trong chính trường Mỹ.
Một chiếc Boeing 747-8 trị giá khoảng 400 triệu USD, được mệnh danh là “cung điện trên trời”, đang gây chấn động chính trường Mỹ khi được cho là món quà từ hoàng gia Qatar dành cho Tổng thống Donald Trump.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, đây sẽ là một trong những món quà xa hoa nhất từng được trao cho một tổng thống Mỹ từ một chính phủ nước ngoài - và đồng thời là một phép thử đối với các giới hạn pháp lý và đạo đức trong hệ thống quyền lực của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump lên Không lực Một. (Ảnh: Getty)
Vì sao ông Trump có quyền nhận quà?
Theo báo The New York Times ngày 12/5, chiếc máy bay – vốn được chế tạo để làm chuyên cơ cho các nguyên thủ quốc gia – được cho là sẽ được sử dụng tạm thời như một chiếc Air Force One (Không lực Một) nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai.
Sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý và đạo đức: Liệu một tổng thống lại có quyền nhận một món quà đắt đỏ như vậy từ chính phủ nước ngoài? Và điều đó có vi phạm Hiến pháp Mỹ?
Theo bài điều tra của The New York Times, chiếc Boeing 747-8 này vốn được đặt hàng từ nhiều năm trước để phục vụ một nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng cuối cùng không được bàn giao. Qatar - đồng minh thân thiết của Mỹ ở Trung Đông - đã mua lại và chuyển giao cho ông Trump, với lời hứa sẽ phục vụ cho “mục đích quốc gia”.
Một số nguồn tin thân cận với chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết, máy bay này sẽ được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng nếu cần, và có thể dùng làm “bảo vật trưng bày” cho thư viện Tổng thống của ông trong tương lai.
Theo The Time, trả lời báo chí hôm thứ Hai (12/5), Tổng thống Trump khẳng định rằng chiếc máy bay sẽ không được sử dụng cá nhân mà sẽ được Bộ Quốc phòng sử dụng trong quá trình chuyển giao đội máy bay tổng thống, và sau đó có thể trở thành vật trưng bày trong thư viện tổng thống của ông.
“Tôi nghĩ đó là một cử chỉ tuyệt vời từ Qatar. Tôi rất trân trọng điều đó,” ông nói với các phóng viên ngày 12/5. “Tôi sẽ không bao giờ từ chối một lời đề nghị như vậy. Ý tôi là, tôi có thể là một người ngu ngốc và nói rằng, ‘Không, chúng tôi không muốn một chiếc máy bay miễn phí, rất đắt tiền’”.
Song chính phát ngôn có phần thẳng thừng ấy lại khiến nhiều nhà quan sát lo ngại, liệu đây có phải là một biểu hiện rõ ràng của việc sử dụng vị trí công quyền để nhận ưu đãi từ một chính phủ nước ngoài?
Phản ứng trái chiều trong giới chính trị
Sự việc ngay lập tức thu hút sự chú ý của các chính trị gia hai đảng. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy viết trên mạng xã hội X: “Một ứng viên tổng thống nhận máy bay từ chính phủ nước ngoài? Đây không phải là vấn đề pháp lý đơn thuần – mà là vấn đề đạo đức và an ninh quốc gia”.
Trong khi đó, nhiều thành viên đảng Cộng hòa lại tỏ ra dè dặt, né tránh bình luận công khai. Một cố vấn thân cận với ông Trump phát biểu giấu tên: “Chiếc máy bay không phải để ông Trump tư lợi. Nó là biểu tượng cho sự lãnh đạo quốc tế và sẽ phục vụ lợi ích nước Mỹ.”
Tuy nhiên, ngay cả trong giới bảo thủ, vẫn có những tiếng nói chỉ trích. Nhà vận động chính trị Laura Loomer gọi đây là “món quà từ những người ủng hộ Hamas”, nhắc đến các mối quan hệ của Qatar với một số nhóm Hồi giáo cực đoan. Một số nhóm vận động cánh hữu cho rằng hành động của ông Trump đi ngược lại các giá trị “nước Mỹ trước tiên” mà ông từng cam kết.
Trong diễn biến mới nhất, bốn thượng nghị sĩ Dân chủ – Cory Booker (New Jersey), Brian Schatz (Hawaii), Chris Coons (Delaware) và Chris Murphy (Connecticut) - tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu tại hội trường Thượng viện để chỉ trích và ngăn chặn kế hoạch tiếp nhận món quà từ Qatar. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra cuối tuần này.
Trong tuyên bố chung, các Thượng nghị sĩ nhấn mạnh: “Không lực Một không chỉ là một chiếc máy bay - nó là biểu tượng của tổng thống và của chính nước Mỹ. Không ai được phép sử dụng dịch vụ công để trục lợi cá nhân thông qua quà tặng từ nước ngoài”.
Họ khẳng định mọi quan chức được bầu, bao gồm cả tổng thống, đều bị cấm nhận quà tặng lớn từ chính phủ nước ngoài nếu không được Quốc hội cho phép, theo quy định trong Điều khoản Lợi tức (Emoluments Clause) của Hiến pháp Mỹ.
Hiến pháp Mỹ qui định thế nào?
Hiến pháp Mỹ quy định rõ ràng trong Điều I, Mục 9, Khoản 8: "Không một ai giữ chức vụ có lợi nhuận hoặc tín nhiệm dưới thẩm quyền của Mỹ sẽ được chấp nhận bất kỳ món quà, khoản thanh toán hoặc tước hiệu nào từ bất kỳ vua, hoàng tử hoặc quốc gia nước ngoài nào, mà không có sự đồng ý của Quốc hội."
Theo đó, dù chiếc máy bay được tuyên bố là để sử dụng công hoặc trưng bày, việc chấp nhận nó mà không qua quy trình Quốc hội là vi phạm hiến pháp một cách rõ ràng, theo nhận định của nhiều chuyên gia luật, bao gồm Laurence Tribe, giáo sư danh tiếng của Trường Luật Harvard.
Ngoài ra, các tổ chức giám sát đạo đức như CREW (Citizens for Responsibility and Ethics in Washington) cũng cảnh báo rằng việc Tổng thống Trump nhận quà từ Qatar - quốc gia có liên quan đến các hoạt động kinh doanh của Trump Organization - sẽ làm dấy lên nghi vấn xung đột lợi ích nghiêm trọng.
Qatar và chiến lược "ngoại giao quà tặng"
Việc Qatar tặng máy bay cho lãnh đạo nước ngoài không phải là điều chưa từng xảy ra. Năm 2018, nước này đã trao một chiếc Boeing 747-8 tương tự cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Đó là một phần trong chiến lược ngoại giao mềm của Doha nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, khi đối tượng được tặng là nguyên thủ quốc gia của Mỹ – cường quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng thống Trump có quan hệ kinh doanh riêng tại khu vực vùng Vịnh, việc tiếp nhận một món quà từ Qatar bị xem là có nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ong-trump-nhan-may-bay-cua-qatar-chinh-quyen-my-day-song-ar942927.html