3 đại học hàng đầu Việt Nam bắt tay hợp tác triển khai Nghị quyết 57

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng tăng cường sức mạnh tổng hợp của 3 ĐH hàng đầu Việt Nam trong đào tạo nhân tài, NCKH, chuyển giao công nghệ.

Chiều nay, ngày 3/4, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã diễn ra lễ kí kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của ba đại học hàng đầu Việt Nam, phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên trong đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Mục tiêu hợp tác là xây dựng ba đại học trở thành các trung tâm xuất sắc về đào tạo nhân lực tài năng, thu hút nhân tài, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và khu vực với sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học quyết định rất lớn đến việc triển khai thành công Nghị quyết 57

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi lễ

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là tổ chức khoa học công nghệ mà còn đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, đây cũng là nơi ứng dụng khoa học công nghệ vào đổi mới quản trị nhà trường, góp phần phát triển hệ thống giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học còn giữ vai trò trung tâm đào tạo, phát triển năng lực số cho người dân, thúc đẩy phong trào "bình dân học vụ số". Thứ trưởng nhấn mạnh, sức mạnh của các cơ sở giáo dục đại học là rất lớn trong việc triển khai thành công Nghị quyết 57.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn ít nhất ba cơ sở đào tạo hàng đầu để xây dựng mô hình phát triển khoa học công nghệ. Mô hình này sẽ gắn kết ba nhà (nhà trường - nhà nước - nhà doanh nghiệp) nhằm nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ chiến lược.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao 3 đại học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực khoa học công nghệ - những nơi mà đỏi hỏi tốt nhất về những công nghệ chiến lược, hàng đầu trong công nghệ số, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Từng đại học đã có những nghiên cứu thành công và ban hành các chương trình hành động, đã tổ chức các trung tâm nghiên cứu, công viên về khoa học công nghệ, các tổ hợp nghiên cứu chiến lược.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng sự hợp tác chiến lược giữa ba đại học sẽ thúc đẩy chia sẻ nguồn lực, phát triển công nghệ cao, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo và nghiên cứu chung.

"Điều này không chỉ giúp thu hút nhân tài, giảng viên trong và ngoài nước đến làm việc, mà còn tạo điều kiện tổ chức các chương trình đào tạo tài năng gắn với kế hoạch phát triển STEM và các lĩnh vực khoa học - công nghệ chiến lược. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, đồng thời tham mưu, đề xuất những cơ chế, chính sách đột phá cho Đảng và Nhà nước," Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng, với hạt nhân là ba đại học nòng cốt, mô hình này có tiềm năng lớn và sẽ được mở rộng trong tương lai, kết nạp thêm nhiều trường đại học khác cùng hợp tác, phát triển. Qua đó, góp phần triển khai thành công các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 57 và Chương trình hành động của Chính phủ.

 Các đại biểu tham dự lễ ký kết

Các đại biểu tham dự lễ ký kết

3 đại học hàng đầu bắt tay xây dựng các chương trình trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên

Thỏa thuận hợp tác chiến lược này tập trung vào các nội dung chính sau:

Thứ nhất, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao: Phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo hướng cùng tổ chức đào tạo và nghiên cứu đề xuất cơ chế để học viên tốt nghiệp có thể nhận văn bằng của cả ba đại học. Triển khai đánh giá, công nhận tín chỉ và tăng cường trao đổi sinh viên theo hình thức “du học tại chỗ”. Xây dựng chương trình trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên.

Thứ hai, hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược: Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành, liên lĩnh vực với sự tham gia của chuyên gia doanh nghiệp và nhà khoa học quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, an ninh mạng, chuỗi khối, IoT, 5G/6G, năng lượng, robot và tự động hóa, công nghệ số, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử. Đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm dùng chung và ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu. Tổ chức các hoạt động chung về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thứ ba, hợp tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tài nguyên dùng chung: Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển hệ thống quản lý đào tạo thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và xây dựng mô hình đại học số chia sẻ. Phát triển hệ sinh thái số dùng chung, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài liệu số và phương án cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu khoa học.

Thứ tư, tổ chức hội nghị, hội thảo, phát triển hợp tác và thu hút học giả quốc tế: Phối hợp tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, hợp tác phát triển tạp chí khoa học chuẩn quốc tế và tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm. Hợp tác tham gia các tổ chức, mạng lưới quốc tế và thu hút chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên quốc tế.

Thứ năm, truyền thông: Phối hợp truyền thông các sự kiện và hoạt động chung, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác truyền thông và xây dựng cơ chế tổ chức thông tin chung nhằm nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của ba đại học.

Thỏa thuận hợp tác chiến lược này có hiệu lực trong vòng 05 năm kể từ ngày ký. Ba trường đại học sẽ thành lập tiểu ban hỗn hợp để nghiên cứu, đề xuất và điều phối triển khai các nội dung hợp tác cụ thể hàng năm.

 Lãnh đạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội (từ trái qua phải) phát biểu tại lễ ký kết hợp tác

Lãnh đạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội (từ trái qua phải) phát biểu tại lễ ký kết hợp tác

 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội kí kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội kí kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo ba trường đại học và các doanh nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác này trong việc tận dụng tối đa nguồn lực, phát triển nền tảng công nghệ chiến lược và chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, đóng vai trò dẫn dắt, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Hiện tại, Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai 179 chương trình đào tạo đại học và 189 chương trình đào tạo thạc sỹ và 115 chương trình đào tạo tiến sỹ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, giáo dục, ngoại ngữ… với tổng quy mô 78.678 người học ở các bậc học.

Trong kỳ xếp hạng 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức QS xếp hạng 325 thế giới về phát triển bền vững, TOP 800 đại học hàng đầu thế giới và có 11 lĩnh vực thuộc TOP 500 trong đó có nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao. Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển giao tri thức hàng đầu ở Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội đang sở hữu nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chất lượng cao hàng đầu Việt Nam với 2.921 cán bộ khoa học, 50 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 213 phòng thí nghiệm và 2.061 sản phẩm khoa học công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn như khoa học tính toán, khoa học trái đất, khoa học sự sống, công nghệ kỹ thuật, y dược, nông nghiệp…

Với tiềm năng, thế mạnh, năng lực, vị thế, uy tín của Đại học Quốc gia Hà Nội trong hệ thống giáo dục đại học, khoa học công nghệ quốc gia, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về và Chương trình hành động theo Nghị quyết 03 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng đề án VNU2030 nhằm phát triển toàn diện Đại học Quốc gia Hà Nội với mục tiêu đến năm 2030, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong TOP 500 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị với các chương trình, nhiệm vụ hiệu quả, có ý nghĩa nhằm tăng cường năng lực, phát triển đội ngũ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, đưa các kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/3-dai-hoc-hang-dau-viet-nam-bat-tay-hop-tac-trien-khai-nghi-quyet-57-post250352.gd