3 đối tượng cần 'kiềm chế' khi ăn uống ngày Tết

Tết là khoảng thời gian mà thói quen ăn thường nhật dễ bị đảo lộn do các bữa liên hoan tất niên, tiệc đón chào năm mới hay chén trà cái kẹo khi người ta ngồi lại hàn huyên. Tuy nhiên những đối tượng dưới đây cần đặc biệt lưu ý kẻo đổ bệnh.

Người suy dinh dưỡng dễ bị sụt cân do ăn uống thất thường, người thừa cân dễ tăng cân "phi mã" do không kiểm soát nổi khẩu phần trong ngày Tết.

Đặc biệt, những người nhạy cảm với các vấn đề về sức khỏe như người già, phụ nữ mang thai và những người đang mắc các bệnh không lây nhiễm dễ chịu tác động nặng nề tới sức khỏe trong những ngày này. Bởi vậy, không chỉ chuẩn bị kế hoạch về thời gian, tiền bạc, chúng ta cũng cần có kế hoạch và mục tiêu cụ thể trong những ngày này để tối ưu sức khỏe như một sự dự trữ khởi đầu viên mãn cho năm kế tiếp.

Dịp Tết là khoảng thời gian mà thói quen ăn thường nhật dễ bị đảo lộn do các bữa liên hoan tất niên, tiệc đón chào năm mới.

Dịp Tết là khoảng thời gian mà thói quen ăn thường nhật dễ bị đảo lộn do các bữa liên hoan tất niên, tiệc đón chào năm mới.

Trước tiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận là ngày Tết thường gắn liền với việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất béo, đường, muối. Nguy cơ hay gặp nhất là ăn quá nhiều và tăng cân. Do đó, duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng trong thời gian này giúp ổn định năng lượng khẩu phần, ngăn ngừa ăn quá nhiều, giảm nguy cơ khó tiêu hoặc tăng cân, hỗ trợ khả năng miễn dịch. Bởi lẽ sau những ngày Tết thường là tiết xuân về kèm thời tiết nóng ẩm, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm phát triển, con người dễ mắc cúm cùng các bệnh về đường hô hấp.

Đối với những người sức khỏe dễ bị tổn thương, thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh mạn tính hoặc gây hại cho sức khỏe.

Dinh dưỡng ngày Tết cho người cao tuổi

Người lớn tuổi có nhu cầu dinh dưỡng riêng do những thay đổi trong quá trình trao đổi chất, khả năng tiêu hóa và các bệnh liên quan tới tuổi già. Do đó, nếu gia đình có người lớn tuổi, ta cần chuẩn bị các loại thực phẩm giàu giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ trong khi tránh năng lượng cao quá mức. Các thực phẩm này có thể là cá, các loại đậu hạt, các loại ngũ cốc còn vỏ cám (như gạo lứt), rau và trái cây. Đồng thời luôn theo dõi khẩu phần ăn để đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý, không tăng cân hoặc sụt cân.

Gia đình cũng cần chuẩn bị các loại đồ uống có lợi cho sức khỏe người cao tuổi như các loại trà hoặc nước khoáng thiên nhiên thay vì các đồ uống chứa đường, đồ uống chế biến công nghiệp hay rượu.

Bên cạnh đó, cũng nên luôn nhớ các món ăn ngày lễ thường được nêm muối, do đó dễ làm tăng tổng lượng muối trong khẩu phần. Điều này đặc biệt nguy hại với người cao tuổi mắc tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác. Vì vậy, đồ ăn cho người già nên có các món luộc, hấp và hạn chế các món ăn thêm muối trong lúc chế biến.

Luôn theo dõi khẩu phần ăn để đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý, không tăng cân hoặc sụt cân.

Luôn theo dõi khẩu phần ăn để đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý, không tăng cân hoặc sụt cân.

Người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn nhiều dầu mỡ (cảm giác nặng bụng, khó tiêu). Lúc này, các món ăn nhiều chất xơ hòa tan (như rau lá nhớt như rau khoai lang, mồng tơi…, các loại củ như khoai lang, khoai sọ) và sữa chua giúp giảm cảm giác "ấm ách" cho người cao tuổi. Chúng ta cũng nên chuẩn bị men vi sinh để dùng cho những lúc này.

Dinh dưỡng ngày Tết cho phụ nữ mang thai

Vẫn biết dịp Tết là dịp vui nhưng phụ nữ mang thai cũng cần "kiềm chế", vì chế độ ăn mỗi ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cho cả mẹ và em bé. Phụ nữ có thai cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất đạm, kết hợp cá, thịt nạc, trứng, các loại đậu. Những phụ nữ đang trong tam cá nguyệt thứ nhất cần lưu ý đảm bảo chế độ ăn đủ folat (từ thịt, rau lá xanh, ngũ cốc) để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Canxi và vitamin D cần thiết cho xương chắc khỏe.

Nếu không thể đa dạng canxi từ cá nhỏ, tôm nhỏ, cua, trai ốc… thì cần đảm bảo khẩu phần hằng ngày cần duy trì sữa, sữa chua, phomai, các thực phẩm tăng cường canxi. Chế độ ăn cũng có cả các loại thịt đỏ, đậu hoặc thực phẩm tăng cường sắt để ngăn ngừa thiếu máu. Luôn nhớ tránh các loại thịt, hải sản và trứng chưa nấu chín hoặc sống để ngăn ngừa các bệnh do thực phẩm gây nên.

Dịp Tết cũng là lúc người phụ nữ mang thai phải "kiềm chế bản thân" trước những "cám dỗ" từ đồ ngọt như bánh, kẹo, sô cô la…, thậm chí cơn thèm ăn có thể rất dữ dội. Lúc này, phụ nữ mang thai có thể thưởng thức những đồ ngọt này với lượng nhỏ, đủ để qua được cơn thèm, ví dụ nhấm nháp một cái bánh nhỏ với nước trà hoặc cùng ít hạt bí, hạt dưa. Phụ nữ mang thai cũng luôn nhớ cần uống đủ nước, hạn chế trà đặc, cà phê, tránh đồ uống có cồn.

Ợ nóng là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là sau những bữa ăn thịnh soạn trong ngày Tết. Ăn những bữa nhỏ, tránh các món cay hoặc nhiều dầu mỡ và ngồi thẳng sau khi ăn giúp hạn chế vấn đề ợ nóng.

Tết là thời gian để ăn mừng nhưng chúng không nhất thiết phải đánh đổi bằng sức khỏe.

Tết là thời gian để ăn mừng nhưng chúng không nhất thiết phải đánh đổi bằng sức khỏe.

Dinh dưỡng ngày Tết cho những người mắc bệnh mạn tính không lây

Các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim đòi hỏi phải kiểm soát chế độ ăn uống cẩn thận, không ngoại trừ lễ Tết.

Người mắc đái tháo đường luôn cần theo dõi lượng tinh bột trong khẩu phần. Do đó nên chọn gạo lứt, các loại đậu và rau không chứa tinh bột để duy trì lượng đường trong máu ổn định. Ngay cả trong các bữa cỗ, người mắc đái tháo đường cũng cần ước lượng các đồ ăn có tinh bột sao cho tương tự như bữa ăn hằng ngày, ăn cùng rau và đa dạng các thực phẩm trong bữa cỗ để đảm bảo ổn định lượng đường trong máu.

Người mắc tăng huyết áp cần hạn chế tối đa các món ăn cần thêm mắm muối khi chế biến, như các món xào, nấu, rán. Bởi vậy nên ưu tiên các món luộc, hấp và các loại rau tươi sống. Đặc biệt, người mắc tăng huyết áp cần hạn chế rượu để phòng cơn tăng huyết áp.

Người mắc các bệnh tim mạch như rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành nên hạn chế các món xào, rán, nướng, thay vì đó hãy ăn các loại đậu hạt, các món luộc, hấp, các loại rau tươi trong bữa cỗ mặn và ăn các loại hạt chứa dầu như hạt bí, hạt hướng dương cùng trà khi trò chuyện hàn huyên ngày Tết.

Với tất cả mọi người, nên lưu tâm tới "mong cầu" vận động của cơ thể. Do vậy, hãy tản bộ cùng nhau trò chuyện thay vì ngồi một chỗ ăn bánh kẹo; hãy tổ chức các trò chơi hoạt động tập thể thay vì chỉ tập trung "ăn cỗ"; hãy tự tập thể dục tại nhà lúc sáng sớm khi chưa có khách sang chơi, hay tập các bài tập giãn cơ sau một ngày đi chúc Tết.

Không cần phải hoàn hảo, hãy hướng đến sự cân bằng và điều độ thay vì những hạn chế quá nghiêm ngặt, bởi điều này có thể dẫn đến sự thất vọng.

Tóm lại: Tết là thời gian để ăn mừng nhưng chúng không nhất thiết phải đánh đổi bằng sức khỏe. Bằng cách tập trung vào chế độ dinh dưỡng cân bằng, điều chỉnh các bữa ăn theo nhu cầu cụ thể và kết hợp các phương pháp ăn uống có kiểm soát, mọi người, bất kể tuổi tác, tình trạng thai kỳ hay các vấn đề về sức khỏe, đều có thể tận hưởng những ngày Tết đến xuân về một cách an toàn và lành mạnh. Hãy cùng nhau biến mùa lễ hội không chỉ trở nên vui tươi mà còn bổ dưỡng cho tất cả mọi người.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những lý do khiến bạn đau họng và cách điều trị.

TS.BS. Trần Châu Quyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-doi-tuong-can-kiem-che-khi-an-uong-ngay-tet-169241231102416742.htm