3 góc nhìn trong xu thế điện khí hóa của Toyota Việt Nam
'Mỗi lăng kính tiếp cận được phát triển phối hợp với nhau và sự kết hợp về công nghệ điện hóa sẽ liên tục phát triển theo thời gian'. Đó là khẳng định của đại diện Toyota Việt Nam (TMV) về những bước đi vững chắc trong xu thế điện khí hóa mà Toyota đang theo đuổi.
Giảm phát thải từ giếng dầu tới bánh xe
Trong cả trăm năm, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản luôn hướng tới những giá trị cốt lõi và đã tạo nên những chiếc xe hoàn hảo, được người tiêu dùng trên khắp thế giới đón nhận và tin dùng. Trong đó, Toyota là doanh nghiệp điển hình với triết lý kinh doanh bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cùng xã hội.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Toyota Việt Nam (TMV) đã luôn phấn đấu để trở thành một “Doanh nghiệp xanh”. Không chỉ nỗ lực giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường, đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường tại nhà máy, TMV còn hỗ trợ đại lý cũng như các nhà cung cấp thực hiện các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường để hoàn thiện một “Chu trình xanh khép kín”. Bên cạnh đó, nhiều chương trình lớn về bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa của TMV, đã nhận được sự đánh giá cao và hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Khi thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn điện khí hóa ngành công nghiệp ô tô, Toyota tin rằng giảm carbon là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, trong khi nhiều hãng xe bước vào cuộc chạy đua phát triển xe “thuần” điện (BEV), Toyota lại nghiên cứu và phát triển nhiều dòng xe “xanh”, khởi đầu bằng dòng xe Hybrid (HEV).
“Thay vì tập trung vào một công nghệ, chúng tôi tin rằng tốt nhất nên hỗ trợ mọi công nghệ có thể là giải pháp giảm lượng carbon càng sớm càng tốt. Theo quan điểm của chúng tôi, Hybrid là giải pháp phù hợp giúp giảm phát thải CO2 ngay lập tức. Chính vì vậy, TMV là một trong những nhà sản xuất ô tô đầu tiên giới thiệu các mẫu xe Hybrid tại Việt Nam”, ông Đặng Minh Tuân, Trưởng ban Kế hoạch sản phẩm, truyền thông và thương hiệu, Công ty Toyota Việt Nam chia sẻ.
Cụ thể hóa cho quan điểm này, các sản phẩm xe Hybrid của Toyota hiện nay đều được phát triển trên nền tảng khung gầm, công nghệ, tính năng tương tự phiên bản động cơ đốt trong. Về cơ bản, một chiếc xe Hybrid không có nhiều khác biệt so với xe chạy xăng, ngoại trừ thay đổi về động cơ, pin và một số linh kiện điện tử. Điều khác biệt nhất ở chỗ xe Hybrid giúp gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng nhờ những công nghệ hỗ trợ, trong đó có công nghệ phanh tái tạo, từ đó giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Một nghiên cứu mới đây của PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy một chiếc xe Hybrid có thể tiết kiệm trung bình khoảng 50% chi phí nhiên liệu so với xe xăng. Như vậy, về lâu dài, hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu của xe Hybrid cao hơn hẳn xe xăng thông thường. Việc hạn chế sử dụng nhiên liệu xăng, dầu chính là giải pháp đầu tiên và thiết thực nhất để giảm phát thải ra môi trường.
Hướng đến phát triển bền vững
Phát triển bền vững là khái niệm được nhắc đền nhiều trong những năm gần đây, khi nhiều người mong muốn sự phát triển trong tương lai xa nhưng phải đảm bảo phát triển về mọi mặt và tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội. Theo đó, mục tiêu cao cả nhất của quá trình giảm phát thải là bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, sự bền vững thể hiện ở việc phát triển xu thế điện khí hóa phải gắn liền với lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Đặng Minh Tuân, Trưởng ban Kế hoạch sản phẩm, truyền thông và thương hiệu TMV cho rằng trên thế giới, Toyota đã phát triển và giới thiệu nhiều công nghệ truyền động, gồm HEV, PHEV, BEV, FCEV hoặc cả phương tiện sử dụng nhiên liệu sinh học. Đây đều là những lựa chọn di chuyển xanh hơn và sạch hơn, phù hợp với môi trường, tình hình kinh tế, nguồn năng lượng, mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng sạc điện, chính sách công nghiệp và nhu cầu của khách hàng ở từng thị trường. Định hướng Tiếp cận đa chiều sẽ cho phép khách hàng lựa chọn những gì phù hợp nhất với nhu cầu di chuyển của họ và quá trình loại bỏ cacbon có thể bắt đầu ngay lập tức mà không cần chờ đợi cơ sở hạ tầng và khả năng chi trả.
Trước đó, chủ tịch Toyota, ông Aikido Toyoda từng chia sẻ với báo giới: “Để đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon, chúng ta phải nhớ rằng carbon không phải là kẻ thù, cũng không phải loại động cơ nào cụ thể. Và nói một cách thẳng thắn, xe thuần điện không phải là con đường duy nhất để đạt các mục tiêu trung hòa khí thải. Ở Toyota, chúng tôi tin rằng nên có một danh mục sản phẩm với nhiều lựa chọn cùng hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải carbon, từ xe hybrid, plug-in hybrid, xe thuần điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu”.
Trên thực tế, con đường hướng đến Net Zero tại mỗi quốc gia không giống nhau. Nếu có nhiều lựa chọn, chính phủ và các nhà sản xuất ô tô có thể xác định mục tiêu và định hướng rõ ràng, phù hợp hơn với khả năng của mình. Tại Việt Nam, với đặc thù là quốc gia đang phát triển, nhu cầu sở hữu ô tô ngày càng tăng nhưng mức thu nhập bình quân còn thấp, hệ thống trạm sạc chưa thực sự phát triển, các nhà sản xuất ô tô “thuần” điện sẽ gặp nhiều thách thức và thậm chí phải “gồng” lỗ trong nhiều năm.
Trong khi đó, xe Hybrid lại được các chuyên gia đánh giá là phương tiện thuận tiện và phù hợp trong giai đoạn đầu của điện khí hóa ô tô. Lý do bởi dòng xe này không yêu cầu bất kỳ cơ sở hạ tầng bổ sung nào, không làm thay đổi thói quen người dùng, khách hàng không phải lo lắng về quãng đường di chuyển. Bên cạnh đó, công nghệ Hybrid mang lại cảm giác lái êm ái, tiết kiệm nhiên liệu, có thể góp phần vào công cuộc giảm phát thải ngay lập tức.
Hiện nay, Toyota đã giới thiệu 6 mẫu xe với các phiên bản Hybrid gồm: Corolla Cross, Camry, Corolla Altis, Yaris Cross, Innova Cross & Alphard.
“Là một trong những nhà sản xuất xe hơi hàng đầu tại Việt Nam, Toyota mong muốn giới thiệu xe hybrid tại Việt Nam như một giải pháp thực tiễn nhất góp phần bảo vệ môi trường, tuân thủ định hướng khuyến khích xe thân thiện môi trường của Chính phủ”, ông Tuân nói.
Sự chấp nhận của khách hàng
Một dòng xe mới hay một công nghệ mới, dù tốt đến đâu nhưng nếu tiếp cận người tiêu dùng quá vội vàng đôi khi sẽ tạo ra hiệu ứng ngược. Thực tế đang xảy ra với khách hàng tại Mỹ và châu Âu khi ngày càng có nhiều người “chán” BEV. Trước đó vài năm, họ đã từng bỏ ra từ 60.000-100.000 USD để sở hữu một chiếc xe “thuần” điện mới nhất, hưởng trọn trải nghiệm công nghệ hàng đầu thế giới. Song, những bất cập do thiếu điểm sạc công cộng, thời gian chờ sạc lâu, vấn đề giảm hiệu suất vào mùa đông và ngày càng có nhiều mẫu xe mới với mức giá rẻ hơn đã khiến họ cảm thấy mình đã quyết định quá vội vàng.
Khi cơn sốt BEV dần hạ nhiệt, nhiều người có xu hướng chờ đợi thêm một vài năm, thăm dò thị trường trước khi quyết định mua một chiếc xe điện mới. Ngay lúc này, sự xuất hiện của dòng xe Hybrid với mức giá chỉ chênh khoảng 10% so với phiên bản chạy xăng bắt đầu được dư luận quan tâm, chú ý.
Tại Việt Nam, năm 2023, doanh số của TMV đạt 59.207 xe, giảm 36% so với năm 2022 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng doanh số Hybrid vẫn khá ổn định với gần 2.700 xe được bán ra, chiếm khoảng 12% tổng doanh số mẫu xe có phiên bản này. Đến nay, sau 4 năm ra mắt thị trường Việt đã có tổng cộng hơn 8.600 xe Toyota hybrid được tiêu thụ.
Với giá bán không chênh nhiều so với xe dùng động cơ đốt trong, không làm thay đổi thói quen cầm lái và đặc biệt không phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc, xe Hybrid đang ngày càng được người dùng Việt quan tâm, tìm hiểu từ cuối năm 2023 đến nay. Đây cũng là thời điểm nhiều hãng xe mới như Haval, Lynk & Co hay cả những hãng xe vốn trung thành với xe xăng như Honda, Hyundai, Mitsubishi, Mazda, Suzuki bắt đầu nghiên cứu, phát triển và ra mắt các mẫu Hybrid đầu tiên của mình. Các chuyên gia dự báo, năm 2024 có thể sẽ là “năm của xe Hybrid”, khi các nhà sản xuất ô tô ngày càng có nhìn nhận đúng đắn, tích cực hơn về giá trị và tiềm năng của dòng xe này.
Đại diện TMV cho biết do được phát triển chung nền tảng với xe xăng nên về cơ bản những mẫu Hybrid của Toyota có chi phí “nuôi” xe rất thấp. Với pin xe Hybrid, không cần bảo dưỡng định kỳ phần pin lưu trữ điện năng cung cấp cho mô tơ điện hoạt động, mà chỉ cần bảo dưỡng một bộ phận duy nhất trên pin Hybrid là lọc gió của bộ làm mát (kiểm tra, làm sạch hoặc thay thế khi cần sau mỗi 10.000 km). Giá của lọc gió xe Hybrid tương đương với các loại lọc gió trên các xe xăng. Ngoài bộ phận này, khách hàng sử dụng xe Hybrid không cần lo lắng phát sinh thêm yêu cầu bảo dưỡng nào khác. Vì vậy, chi phí bảo dưỡng xe Hybrid gần như không khác so với xe xăng cùng loại sau 3 năm sử dụng. Thêm vào đó, các linh kiện, phụ tùng gần như giống nhau nên nếu xảy ra hỏng hóc, cần phải thay thế thì chi phí cũng tương đương.
“Mặc dù công nghệ Hybrid khá mới mẻ ở Việt Nam, thực tế xe Hybrid đã rất phổ biến ở những thị trường phát triển trên thế giới. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về độ bền của xe Hybrid. Độ bền của pin có thể kéo dài tương đương tuổi thọ của xe tùy vào điều kiện sử dụng. Trên thế giới, tuổi thọ pin Toyota Hybrid rơi vào trung bình 15-20 năm nếu chủ xe sử dụng, bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn”, ông Tuân chia sẻ.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/3-lang-kinh-trong-xu-the-dien-khi-hoa-cua-toyota-viet-nam.htm