'3 không' khi ăn mít, biết mà tránh kẻo 'mang họa'
Mít là loại trái cây được yêu thích vào mùa hè, tuy nhiên ăn mít không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Báo Vietnamnet dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, mít là loại cây phổ biến với người dân Việt Nam. Thành phần hóa học và dinh dưỡng của mít tốt cho sức khỏe người dùng. Thành phần múi mít có nước 72,3%; protein 1,7%; glucid 23,7%; lipid 0,3%.
100g múi mít có canxi 27g; phốt pho 38mg; sắt 0,6mg; natri 2mg; kali 407mg, các vitamin và cung cấp cho cơ thể 94 calo. Theo Đông y, mít có vị ngọt, mùi thơm, hơi chua, tác dụng kiện tỳ, ích khí, làm đẹp mặt mày, khỏi phiền khát.
Người ta sử dụng mít chín để giải rượu. Ngoài quả mít, các bộ phận khác của cây mít như gỗ, nhựa, lá đều có tác dụng làm bài thuốc chữa bệnh. Lá mít được dùng làm nước uống để lợi sữa cho sản phụ sau sinh và lành các vết thương hở.
Mít có nhiều lợi ích, tuy nhiên ăn mít không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Theo đó bạn cần chú ý những điều sau khi ăn mít.
Không ăn mít lúc đói
Mít là món ăn thơm ngon nhiều người yêu thích, nhưng nếu bạn đang đói mà ăn mít thì sẽ khiến hàm lượng đường trong máu đột ngột tăng cao, gây đầy bụng, khó tiêu, chướng bụng. Vì vậy, tốt nhất bạn chỉ nên ăn mít sau khi đã ăn cơm khoảng 1-2 tiếng để đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe
Không ăn quá nhiều mít
Trong thành phần dinh dưỡng của mít có chứa nhiều đường và nhiều năng lượng nên khi ăn quá nhiều mít sẽ gây đầy bụng khó tiêu. Ngoài ra, mít có tính nóng nên ăn nhiều sẽ gây nóng trong người, không tốt cho những ai dễ bị rôm sảy, mẩn ngứa…
Người hay đầy bụng khó tiêu ăn mít sẽ khiến tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Hàm lượng đường trong máu đột ngột tăng cao sẽ khiến bụng càng đầy và khó tiêu hơn.
Không ăn mít vào buổi tối
Ăn mít vào buổi tối có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa vì hàm lượng chất xơ cao, nhất là hạt mít. Hơn nữa, múi mít cũng giàu năng lượng, đặc biệt là tính nóng và nhiều đường, vì thế có thể gây tích mỡ bụng, gây nóng trong, gây khó ngủ.
Tốt nhất mọi người chỉ nên ăn mít 1-2 giờ sau khi ăn bữa sáng hoặc trưa. Nên ăn mít kèm với những hoa quả chín khác để cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Những nhóm người không nên hoặc hạn chế ăn mít
Người hay nổi mụn nhọt, rôm sảy
Tuy mít giàu dinh dưỡng nhưng không phù hợp những người thường bị mụn nhọt, rôm sảy.
Người tăng huyết áp
Hàm lượng đường cao trong mít làm tăng đường huyết đột biến, gây choáng váng, hoa mắt.
Người bị gan nhiễm mỡ
Theo nghiên cứu, mít giàu dưỡng chất, nhiều vitamin. Tuy nhiên, loại quả này chứa nhiều đường và không tốt cho gan. Vì vậy, lương y khuyến cáo những người bị gan nhiễm mỡ không nên ăn mít thường xuyên, thậm chí nên nói không với mít.
Người mắc các bệnh mạn tính
Những người có bệnh mạn tính chỉ nên ăn ít mít. Khi ăn mít, xoài, họ cần làm sạch nhựa, nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối. Với trẻ em và người cao tuổi nên cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn.
Người mắc bệnh tiểu đường
Người bệnh tiểu đường cần phải ăn uống theo chế độ kiêng chất đường. Trong khi đó, mít có chứa nhiều đường fructoza và glucoza. Các loại đường này khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đều đưa ra khuyến cáo người bệnh tiểu đường chỉ ăn lượng mít rất nhỏ, nếu ăn mít thì hạn chế các loại hoa quả khác.
Người mắc bệnh suy thận mạn
Bệnh nhân suy thận mạn nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít. Ở người suy thận, kali ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu. Tăng kali máu đột ngột có thể làm ngừng tim. Vì vậy, các bệnh nhân bị suy thận mạn tính không nên ăn mít. Ngoài ra, người bệnh thận còn nên kiêng nhiều loại hoa quả khác như măng cụt, chuối.
Người bị suy nhược, sức khỏe yếu
Người có sức khỏe yếu khi ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng, khó chịu, tim làm việc nhiều, có nguy cơ cao tăng huyết áp. Với những người này nên tránh những trái cây nóng như mít, xoài... hoặc nếu ăn thì ăn lượng vừa phải, vừa ăn vừa thăm dò phản ứng của cơ thể.
Minh Hoa (t/h)