'3 không' vẫn luôn thành công
'Mô hình nuôi tôm của Sao Ta hiện đang 'đi ngược lại thiên hạ'. Đó là không vèo, không lưới lan, không ôxy đáy' - ông Hoàng Thanh Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, người phụ trách chính vùng nuôi hơn 500ha của Sao Ta mở đầu câu chuyện chia sẻ về phòng, chống dịch bệnh và mô hình nuôi tôm hiệu quả tại Hội thảo tham vấn 'Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi' tổ chức tại Sóc Trăng vào ngày 27/11 vừa qua khá ấn tượng.
Lý giải về lý do tại sao lại không vèo, theo ông Vũ, sở dĩ trước đây phải vèo là để lỡ tôm có bị bệnh gan tụy cấp chết sớm, việc cải tạo ít tốn chi phí hơn. Còn EHP chủ yếu đến từ trại giống và con tôm bị nhiễm luôn thải ra EHP theo đường phân nên nếu vèo, tất cả sẽ bị nhiễm. Nói một cách hình tượng hơn là vèo chẳng khác nào ép con tôm vào môi trường chật chội, chậm lớn. Các nghiên cứu cho thấy, trong môi trường mật độ tôm cao thì việc lây nhiễm EHP càng lớn, còn trong môi trường mật độ thấp, con tôm lớn nhanh hơn, sức chống chịu với EHP vì thế cũng tốt hơn. Thực tế tại trại nuôi Sao Ta, nuôi không vèo sau 45 ngày, tôm đã về kích cỡ từ 100 - 150 con/kg. Giai đoạn này nếu lỡ có nhiễm EHP thì sức chống chịu của tôm cũng tốt hơn, dễ vượt qua dịch bệnh hơn.
Với mô hình “3 không” (không vèo, không lưới lan, không ôxy đáy) giúp trại nuôi của Công ty Sao Ta tiết giảm được chi phí và luôn thành công. Ảnh: TÍCH CHU
Đối với vấn đề ôxy đáy, theo ông Vũ, thật ra ôxy cao là tốt, nhưng đi kèm theo đó là chi phí cao và vô tình làm vỡ phân tôm vụn hơn, giúp bào tử EHP phát tán nhanh, rộng hơn, tôm nhiễm EHP nhiều hơn, nhanh hơn, rủi ro sẽ lớn hơn. Mặt khác, làm ôxy đáy nấm đồng tiền cũng nhiều, tạo giá thể cho EHP bám vào, khi tôm ăn vào sẽ nhiễm EHP. Vì vậy, Sao Ta chỉ dùng quạt để vừa hạn chế tình trạng trên, vừa tiết kiệm được gần 1/2 chi phí tiền điện và cũng giúp đáy ao rất sạch sau thu hoạch, EHP cũng ít có điều kiện để phát triển. Về lưới lan, ông Vũ cho rằng, cũng có thể là nơi để EHP bám vào, nếu không được vệ sinh tốt sẽ là nguồn lây cho vụ nuôi. Hơn nữa, nếu nuôi có lưới lan màu sắc của tôm sẽ không được đẹp theo yêu cầu một số thị trường vì ao nuôi ít có tảo. Thực ra, tảo rất có lợi nếu là tảo tốt vì nó giúp lấy CO2, nitơ trong nước mà không tốn tiền bổ sung carbon (mật rỉ đường), lại có lợi gấp 4 lần về hàm lượng ôxy.
Đối với vấn đề chi phí, theo ông Vũ, hiện có rất nhiều người nuôi tôm sử dụng vật tư đầu vào sai mục đích, làm cho chi phí sản xuất tăng thêm, mà một trong số đó là diệt khuẩn định kỳ. Ông Vũ khẳng định: “Thật ra, khuyến cáo diệt khuẩn định kỳ chỉ mang tính thương mại là chính vì muốn diệt khuẩn phải sử dụng nồng độ clorin 25ppm vào ao, nhưng nồng độ này thì không ai dám đánh vào ao đang có tôm. Còn nếu chỉ đánh nồng độ 2 - 3ppm thì không có tác dụng gì do không đủ liều lượng để diệt vi khuẩn”. Theo ông Vũ, việc dùng hóa chất đánh vào trong ao như: khoáng, vôi hoặc trộn các chất tăng trưởng, rồi vitamin C chỉ thêm tốn kém chi phí, còn tác dụng thì rất hạn chế. Ngoài ra, việc xi phông thường xuyên là rất tốt, giúp rút phân tôm ra ngoài nhanh, giảm nguy cơ yếm khí nơi lỗ xi phông, từ đó giúp giảm thiểu mầm bệnh nơi đáy ao. Đặc biệt là không cần làm ao nổi dễ làm biến động nhiệt độ trong ao, mà chỉ cần nâng đáy ao lên khoảng 0,5m để vừa dễ xi phông, vừa giúp hạn chế EHP trú ngụ nơi đáy ao và có nơi trú ẩn cho tôm khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi.
Với nguyên tắc “3 không” như trên, theo ông Vũ, hiện cả vụ thuận lẫn vụ nghịch, Sao Ta đều nuôi tương đối ổn, thậm chí đôi lúc, vụ nghịch lại có hiệu quả cao hơn nhờ giá tốt. Ông Vũ chia sẻ thêm: “Nuôi tôm hiện nay dịch bệnh đáng chú ý nhất là EHP lây lan mạnh nhưng rất âm thầm và ảnh hưởng lớn đối với hiệu quả của người nuôi. Nhiều khi nuôi tôm lên thấy thu từ 40 - 50 con/kg nhưng FCR (hệ số chuyển hóa thức ăn) cao, nên mức lỗ còn nhiều hơn so với tôm chết do bệnh đốm trắng”. Cũng theo chia sẻ của ông Vũ, qua khảo sát tại nhiều trại giống, kết quả cho thấy tỷ lệ có nhiễm EHP rất cao, nên Cục Thủy sản cần tăng cường công tác giám sát EHP ngay từ trại giống vì chỉ cần 1 lô bị nhiễm thì hầu như cả trại đều bị nhiễm. Ông Vũ nói vui: “Nếu thả giống sau 20 ngày mà không có EHP coi như “lụm tiền”, còn nếu có EHP thì khả năng rất cao là mầm bệnh đã có từ trại giống, vì quá trình xử lý nước tại trại nuôi đã cơ bản diệt được EHP”.
Chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo về các giải pháp nuôi tôm hiệu quả, với trọng tâm là hạn chế dịch bệnh để tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành trong thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, sắp tới, để giảm thiểu rủi ro có nhiều chuyện phải làm. Các cơ quan quản lý nhà nước hiện đang cố gắng làm sao giảm thiểu rủi ro, hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm, thì người nuôi cũng nên quan tâm đến chuyện ăn chắc mặc bền, tức chỉ tổ chức nuôi trong phạm vi khả năng tài chính và kỹ thuật của mình. Ông Lực chia sẻ thêm: “Chúng ta đều biết, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Ecuador là 80%, Ấn Độ là 60% còn Việt Nam chỉ có khoảng 40%. Với tỷ lệ này sẽ đưa đến giá thành tôm nuôi của Việt Nam quá cao so với các nước. Để xử lý vấn đề này cần xem xét các yếu tố nào tác động lên giá thành tôm nuôi để có giải pháp khắc phục, như: vấn đề chất lượng con giống, nước sạch cho vùng nuôi, vốn tín dụng…”.
Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/3-khong-van-luon-thanh-cong-69184.html