3 lần giảm lãi suất điều hành tác động thế nào đến nền kinh tế?

Các chuyên gia cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, cũng như tăng cung tiền mới đủ điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định giảm loạt lãi súat điều hành áp dụng từ ngày 25/5/2023. Đây là lần thứ ba NHNN hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế kể từ đầu năm 2023.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Sau nhiều lần giảm lãi suất liên tiếp, trần lãi suất huy động hiện đã giảm về mức tương đương giai đoạn cuối năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.

Đánh giá về quyết định giảm lãi suất của NHNN, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng việc hạ lãi suất điều hành là một động thái kích cầu tín dụng, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp.

Từ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, người dân có thể tiêu dùng nhiều hơn nhờ chi chi phí vay vốn thấp. Điều này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc hạ lãi suất cũng là động lực giữ dòng vốn ngoại ở lại Việt Nam.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định, trong ngắn hạn việc giảm lãi suất phần nào sẽ giúp cho lợi nhuận của các nhóm ngành nêu trên được cải thiện bù đắp trong bối cảnh những yếu tố đầu vào có thể bị tác động tiêu cực bởi việc tăng giá điện 3%.

MAS đánh giá điều này sẽ tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao. Dựa theo số liệu năm 2022, nhóm phân tích đưa ra 5 ngành hiện tại đang có mức vay nợ cao và dự báo sẽ hưởng lợi trước quyết định giảm lãi suất này: Bất động sản, thép, thực phẩm, nuôi trồng nông & hải sản và xây dựng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động.

Giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Do đó, Việt Nam có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.

Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh vấn đề giảm lãi suất, một yếu tố quan trọng khác là tăng cung tiền cho nền kinh tế.

TS.Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần sớm tăng cung tiền cho nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng cung tiền quá thấp, vòng quay của tiền chỉ còn 0,64 vòng/năm. Từ đầu năm đến nay, NHNN bơm ra 140.000 tỷ đồng để mua vào USD, con số này là chưa đủ và cũng không hẳn là bơm tiền vào nền kinh tế.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/3-lan-giam-lai-suat-dieu-hanh-tac-dong-the-nao-den-nen-kinh-te-1684918644036.htm