3 lần hồi sinh, sông Tô Lịch vẫn 'chưa sống lại'
Câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch không phải lần đầu tiên được nhắc tới, nhưng tất cả chỉ để lại sự hụt hẫng bởi hiện thực nơi đây vẫn là dòng nước chết, viễn cảnh sông Seine giữa lòng Thủ đô chưa xuất hiện.
Lời tòa soạn:
Trong những ngày qua, câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch với phương pháp xây đập tràn trên sông Hồng, lấy nước thau rửa nguồn ô nhiễm lại khiến nhiều người khấp khởi về viễn cảnh sông Seine xuất hiện giữa lòng Thủ đô. Nhưng, nhìn lại các lần hồi sinh trước đây, đến nay Tô Lịch vẫn là dòng sông chết.
Sông Tô Lịch dài 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Theo ước tính, sông Tô Lịch mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ.
Tiếp nhận phần lớn nước thải chưa qua xử lý của các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình… khiến tình trạng ô nhiễm dòng sông này ngày càng trầm trọng. Cả dòng sông dài 14km trở thành cống nổi, ứ đọng nước thải bốc mùi hôi thối quanh năm.
Để khắc phục tình trạng trên, kể từ đầu những năm 2000 đến nay, sông Tô Lịch trải qua nhiều phương pháp thử nghiệm làm sạch của các tổ chức quốc tế và trong nước. Với mỗi biện pháp đưa ra, Hà Nội luôn đặt kỳ vọng hồi sinh dòng sông này.
LẤY NƯỚC TỪ HỒ TÂY THAU RỬA SÔNG TÔ LỊCH
Từ đầu những năm 2000, TP Hà Nội thực hiện dự án nạo vét, kè hai bờ sông Tô Lịch. Mục đích của dự án bên cạnh việc chống lấn chiếm, còn làm sạch sông Tô Lịch. Kể từ đó, về mùa mưa, dòng nước đặc quánh, đen ngòm từ sông Tô Lịch được đẩy xuống sông Nhuệ.
Chứng kiến cảnh tượng về mùa mưa, nhiều thời điểm nước sông Tô Lịch dâng cao, tạo thành dòng chảy, không còn bốc mùi hôi thối, các cấp, các ngành của Hà Nội đưa ra ý tưởng lấy nước từ hồ Tây thau rửa sông Tô Lịch.
Thực tế, từ năm 2009, TP Hà Nội từng có đề án bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi đổ sang sông Tô Lịch để lưu thông dòng chảy… Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vào thời điểm đó, dự án này không triển khai được.
Sau những cơn mưa lớn vào đầu tháng 7/2019, trong 2 ngày, sông Tô Lịch bất ngờ nhận được 1 triệu khối nước từ hồ Tây. Việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch thời điểm đó là để phòng chống ngập úng khu vực Tây Hồ, Ba Đình. Tuy nhiên, với giải pháp tình thế, khi được bơm hàng triệu mét khối nước từ hồ Tây, sông Tô Lịch giảm hẳn mùi hôi thối, dòng kênh "lột xác, thay màu" từ đen sang xanh. Thời điểm đó, nhiều người dân Hà Nội còn mang vó, cần câu ra sông Tô Lịch bắt cá.
Từ thực tế trên, Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học xây dựng đề án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây, đồng thời tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Sau đó, công ty này đề xuất phương án đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng trạm bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập cho sông Tô Lịch.
Theo kế hoạch, thời gian xây dựng trạm bơm có công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm khoảng nửa năm là hoàn thành. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là ý tưởng, sau đó sông Tô Lịch vẫn nguyên hình hài là cống lộ thiên.
DÙNG CHẾ PHẨM REDOXY-3C KHỬ Ô NHIỄM NƯỚC
Trong năm 2019, TP Hà Nội thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Đoạn sông được thử nghiệm làm sạch bằng Redoxy-3C tại địa phận phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Thời điểm đó, cả hai đoạn sông trên đều được quây kín bằng tấm sắt để mặt nước tĩnh, không có nước thải lưu thông.
Sau thử nghiệm, dựa trên kết quả phân tích, Hà Nội lựa chọn phương pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.
Đáng nói, với gần một tháng thí điểm, Công ty Thoát nước Hà Nội báo cáo các cấp ngành của thành phố kết quả ban đầu cho thấy, nước sông Tô Lịch được làm sạch bằng công nghệ Redoxy-3C có chuyển biến tích cực, đỡ ô nhiễm, bốc mùi khó chịu.
Thời điểm đó, nhiều người dân sống trong khu vực kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ được “hồi sinh” bằng công nghệ xử lý mới. Tuy nhiên, sau đánh giá ban đầu đó, phương án này vẫn chỉ là thí điểm, không được nhân rộng.
CÔNG NGHỆ NHẬT BẢN PHÂN HỦY BÙN, KHÔNG CẦN NẠO VÉT
Ngoài đoạn sông được làm sạch bằng chế phẩm Redoxy-3C, vào tháng 6/2019, một đoạn sông Tô Lịch dài hơn 200m còn được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ của Nhật Bản.
Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét.
Còn nhớ, tại thời điểm đó, mỗi lần các chuyên gia dầm mình xuống dòng nước đen thực hiện các công đoạn thử nghiệm xử lý ô nhiễm, người dân Thủ đô lại thêm kỳ vọng, Tô Lịch sẽ được hồi sinh.
Khi đó, các chuyên gia đặt các hộp thiết bị bị xuống sông Tô Lịch, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy.
Các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn. Tại thời điểm đó, những thông tin được đưa ra khiến nhiều người chưa dám tin ngay, đó là dự án xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Bio-nano sẽ không cần nạo vét cơ học, nhưng chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm và sau khoảng 2 tháng các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.
Thực tế, kết quả xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản cho thấy, các loại khí gây mùi hôi thối cũng đã giảm đáng kể; tại một số điểm đặt máy xử lý, độ dày của bùn giảm từ 15-20cm.
Tuy nhiên, cả 3 phương án kể trên đều không đi tới đích. Vì thế, đến nay, Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn áp dụng biện pháp xử lý "truyền thống" với sông Tô Lịch, đó là dùng sức người của hàng trăm công nhân và máy móc thô sơ để nạo vét bùn và chất thải trên sông.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/3-lan-hoi-sinh-song-to-lich-van-tam-ao-den-hoi-2266383.html