3 loại hình đường sắt tốc độ cao trên thế giới

Bên cạnh việc lựa chọn tốc độ tàu chạy thì đường sắt tốc độ cao cần lựa chọn loại hình để phù hợp với mục đích sử dụng cũng như quá trình bảo dưỡng sau này. Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam của nước ta được kiến nghị lựa chọn công nghệ chạy trên ray.

Hiện nay, trên thế giới đường sắt tốc độ cao có 3 loại hình công nghệ: công nghệ chạy trên ray, khai thác tốc độ khoảng 200-350 km/giờ; công nghệ chạy trên đệm từ trường, tốc độ khoảng 500-580 km/giờ; công nghệ chạy trong ống, tốc độ lên đến 1.200 km/giờ.

Đường sắt tốc độ cao chạy trên ray: cơ bản giống như đường sắt truyền thống nhưng được phát triển với công nghệ, kỹ thuật chính xác hơn. Loại hình công nghệ này được phát triển, đưa vào khai thác từ năm 1964 tại Nhật Bản, hiện đang được phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Công nghệ đường sắt chạy trên ray được kiểm nghiệm bảo đảm mức độ an toàn; chi phí đầu tư ở mức trung bình; có khả năng kết nối thuận lợi với mạng đường sắt hiện có.

Theo thống kê của Hiệp hội Đường sắt Quốc tế (UIC), đến năm 2023 có 22 quốc gia, vùng lãnh thổ sở hữu đường sắt tốc độ cao với chiều dài ước tính là 59.421 km, dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 30 năm tới.

Tàu Shinkansen ở Nhật Bản là tuyến đang hoạt động trên đường ray này. Con tàu đã giữ được an toàn tuyệt đối trong suốt 60 năm qua và thời gian trễ chuyến trung bình chưa đến 5 phút. Tàu cao tốc Shinkansen bắt đầu chạy giữa Tokyo và Osaka vào ngày 1/10/1964, mở ra kỷ nguyên mới cho giao thông đường sắt khi Nhật Bản phát triển thành siêu cường kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Công nghệ chạy trên đệm từ trường (Maglev): hoạt động trên nguyên lý đoàn tàu được nâng lên, dẫn lái và di chuyển bởi lực từ hoặc lực điện từ, không có sự tiếp xúc trực tiếp với đường ray, nhờ đó nó giảm được ma sát, cho phép tàu chạy nhanh hơn và êm ái hơn. Tàu đệm từ có thể đạt đến tốc độ khoảng 500km/giờ đến 580km/giờ. Tuy nhiên công nghệ này yêu cầu chi phí đầu tư cao nên khả năng ứng dụng còn hạn chế.

Đây là loại hình được nghiên cứu từ năm 1968 tại Mỹ. Sau nhiều sự cố về an toàn, hiện chỉ có một số nước khai thác với cự ly khiêm tốn (30-50 km), điển hình là tuyến Transrapid ở Thượng Hải. Tuyến tàu Transrapid Thượng Hải có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 431 km/h, khiến nó trở thành một trong những tàu chạy nhanh nhất trên thế giới.

Công nghệ chạy trong ống Hyperloop: sử dụng các đường ống hút chân không, giúp phương tiện di chuyển bên trong đạt tốc độ cao do không còn lực cản không khí. Công nghệ trong ống chi phí đầu tư rất cao, đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới xây dựng tàu cao tốc sử dụng công nghệ chạy trong ống.

Hoàng Nhung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/3-loai-hinh-duong-sat-toc-do-cao-tren-the-gioi-283978.htm