3 loại rau dân dã có nhiều vào mùa hè, tốt hơn 'nhân sâm, thuốc bổ'
Những loại rau dân dã này mọc rất nhiều ở Việt Nam vào mùa hè và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Rau sam
Rau sam là loại rau dại quen thuộc ở các vùng quê. Không chỉ là loại rau giàu dinh dưỡng mà rau sam còn có mặt trong nhiều bài thuốc Đông y chữa bệnh.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, trong y học hiện đại rau sam được chứng minh là có công dụng ức chế sự phát triển của trực khuẩn lỵ và vi khuẩn thương hàn. Cồn chiết xuất từ rau sam tác dụng ức chế trực khuẩn E.coli. Hàm lượng axit béo trong Omega 3 có công dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm cholesterol máu, bảo vệ mạch máu và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch.
Không chỉ vậy, hàm lượng vitamin E, vitamin C, alcaloid, flavonoid, glutathione và beta - carotene trong cây rau sam giúp ngăn ngừa các gốc tự do và chống lại quá trình lão hóa.
Hàm lượng omega-3 cao và các chất dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng tóc, da, móng và khớp.
Chất nhầy trong rau sam có công dụng làm dịu đường tiêu hóa, từ đó giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý thường gặp về đường tiêu hóa. Hàm lượng chất xơ cao giúp ngăn ngừa táo bón, dự phòng nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
Còn trong Y học cổ truyền, cây rau sam tính hàn, vị chua không độc, quy vào kinh Phế, Tâm và Tỳ. Rau sam chứa kháng sinh tự nhiên, có khả năng tiêu thũng giải độc nên có công dụng điều trị chứng đầy bụng, trướng bụng, mụn nhọt mẩn ngứa ngoài da, sưng đau ngoài da.
Rau sam mọc dại tự nhiên nhiều ở các miền quê vào mùa hè, không phun thuốc. Ngày hè nóng bức, ăn rau sam mát, giúp thanh nhiệt rất tốt cho sức khỏe.
Rau lang - loại rau dân dã tốt như thần dược
Từ lâu rau lang được biết đến là thực phẩm dân dã, dễ chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của gia đình Việt.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, rau lang có tác dụng tích cực trong việc làm mát và thanh nhiệt cho cơ thể. Không những thế đây còn là thực phẩm giàu chất diệp lục có khả năng làm sạch máu và loại bỏ bớt độc tố ở trong cơ thể.
Lá cây rau lang có đặc tính giảm đường huyết và đọt rau lang đỏ chứa chất gần giống với insulin nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Protein trong rau lang có khả năng chống lại sự oxy hóa. Loại protein này chứa khoảng 1/3 hoạt tính chống oxy hóa của glutathione - chất có vai trò lớn trong việc tạo ra chất chống oxy hóa bên trong cơ thể.
Ngoài ra, rau lang vị ngọt, tính mát và chứa nhiều chất xơ nên giúp nhuận tràng. Đặc biệt, lá rau lang chứa khoảng 1.95% - 1.97% chất nhựa tẩy nên vừa nhuận tràng vừa ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Rau càng cua
Tương tự như rau lang và rau sam, rau càng cua cũng là loại rau mọc dại nhiều ở các vùng quê. Rau càng cua dễ mọc, mọc tốt và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và các bài thuốc trị bệnh hiệu quả.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoaa Vinmec cho biết, rau càng cua là loại rau dại mọc nhiều nơi và sống ở những vùng có khí hậu nhiệt đới. Rau càng cua có vòng đời 1 năm, vị chua nhẹ khi ăn sống và có nhiều giá trị về mặt dinh dưỡng.
Với hương vị thanh mát chua nhẹ, rau càng cua rất thích hợp ăn vào mùa hè trong năm và mang lại những tác dụng như sau:
Kháng khuẩn: Trong rau càng cua có 2 chất là patuloside A và axanthone glycoside. Đây là những chất kháng khuẩn hiệu quả, tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Giảm nồng độ axit uric: Chiết xuất từ rau càng cua có thể kìm hãm nồng độ axit uric trong máu lên đến 44% khi được thử nghiệm trên động vật. Từ đấy các nhà khoa học cho rằng, nhiều hợp chất trong cây rau càng cua có thể thay thế cho allopurinol, giúp điều chỉnh nồng độ axit uric trong máu.
Ngăn ngừa viêm khớp: Chiết xuất rau càng cua khi kết hợp cùng Ibuprofen giúp cải thiện đáng kể triệu chứng viêm khớp, đặc biệt là khớp gối. Ngoài ra dịch chiết xuất từ loại rau này cũng có khả năng chữa lành các chấn thương gãy xương nhanh hơn bình thường.Ngăn ngừa ung thư: Một nghiên cứu đã tách các chất từ lá càng cua cho thấy loại rau này ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư. Điều này cho thấy tiềm năng làm thuốc chữa ung thư của loại cây này.
Chống viêm: Rau càng cua là một vị thuốc dân gian được dùng để chữa sốt, ho, cảm, nhức đầu và viêm khớp. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy rau càng cua có tác dụng kháng khuẩn nhờ có chất prostaglandin tổng hợp bên trong. Ngoài ra cây rau này còn có tác dụng hạ sốt tương đương với Aspirin.
Ức chế rối loạn cảm xúc: Chiết xuất từ rau càng cua có tác dụng trong điều trị rối loạn cảm xúc quá mức sau khi được được thử nghiệm trên động vật. Đối với bà bầu, rau càng cua có tác dụng ổn định tinh thần do sự thay đổi hormone. Vì vậy trong thời gian mang thai có thể thêm rau càng cua vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
Chống oxy hóa : Rau càng cua còn có khả năng thu thập và tiêu diệt các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, chất beta-carotene trong loại rau này còn là chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp làm chậm quá trình lão hóa của tế bào.
Bổ sung sắt cho bà bầu: Khi mang thai, sắt là một trong những nhóm chất thai phụ cần phải bổ sung theo yêu cầu của bác sĩ. Ngoài bổ sung bằng thuốc, thai phụ có thể bổ sung qua đường ăn uống. Rau càng cua có công dụng bổ máu nên là một trong những thực phẩm nên sử dụng nhiều trong quá trình mang thai.
Hạn chế đái tháo đường thai kỳ: Tiểu đường thai kỳ là nỗi lo của hầu hết các thai phụ. Tuy nhiên rau càng cua lại có đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng mà hàm lượng calo lại rất thấp. Ngoài ra loại rau này có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau giúp ổn định lượng đường trong máu và nâng cao đề kháng cho thai phụ.
Trên đây là 3 loại rau dại dân dã mọc hoang ở nhiều nơi nhưng lại cực kỳ tốt cho sức khỏe.