3 lý do nên phát triển điện mặt trời áp mái

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS Trần Đình Long - Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Điện lực Việt Nam) hoan nghênh việc Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

GS Trần Đình Long.

GS Trần Đình Long.

PV: Không giới hạn công suất, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, được miễn, giảm các loại thuế, vay vốn... là một số ưu đãi đối với điện mặt trời mái nhà tự dùng. Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế khuyến khích điện mặt trời áp mái. Ông bình luận gì về cơ chế này?

GS Trần Đình Long: Rất hoan nghênh việc làm của Bộ Công thương trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình. Thứ nhất, kế hoạch phát triển năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà đã được nêu rõ tại bản Quy hoạch điện 8. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các hộ tiêu dùng tự sản và tự tiêu với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 50% các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà. Trong đó, loại hình năng lượng này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, do đó có chính sách để phát triển càng sớm càng tốt. Đây là sẽ là nội dung quan trọng của ngành năng lượng trong thời gian tới nhằm thực hiện hóa mục tiêu giảm phát thải ròng.

Thứ hai, điện mặt trời áp mái không chiếm đất canh tác, nên thuận lợi để phát triển. Thứ ba, khi mà nhà nhà cùng làm điện mặt trời áp mái có nghĩa là chúng ta có thể huy động được nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn hộ gia đình vào sản xuất điện tự sản tự tiêu, đóng góp vào việc phát triển ngành điện lực rất tốt. Tùy vào khả năng kinh tế mỗi gia đình, họ bỏ ra một khoản tiền vừa phải để sản xuất điện, góp phần vào sản xuất điện chung của cả nước. Với các ưu điểm như vậy nên có chủ trương phát triển điện mặt trời mái nhà.

Nhưng thưa ông, có lo ngại, các tấm pin mặt trời có niên hạn sử dụng. Vậy sau sự phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái, xử lý các nguyên vật liệu dư thừa, hết niên hạn thì sao?

- Hiện nay trên thế giới đã có công nghệ xử lý, thu hồi lại các vật liệu của những pin mặt trời mái nhà đã qua sử dụng. Nếu Việt Nam phát triển nhiều pin mặt trời mái nhà, sau khoảng thời gian 15 - 20 năm sử dụng chúng ta có thể nhập khẩu công nghệ xử lý những tấm pin đó.

Thời gian qua cũng có phản ánh tỷ trọng thành phần điện mặt trời ngày càng cao đang khiến việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Đó là các doanh nghiệp, nhà máy đầu tư điện mặt trời và lượng điện phát thừa ra lại không thể bán được cho Nhà nước?

- Thông thường, với diện tích nhà cư dân 50 - 100m2/hộ thì lượng điện phát ra dư thừa không lớn, chỉ đủ để sử dụng các thiết bị điện trong nhà. Nếu như dư thừa ở những công sở, nhà máy có mái nhà lớn thì có thể kết nối bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

T.Hằng (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/3-ly-do-nen-phat-trien-dien-mat-troi-ap-mai-5721189.html