3 mẹo đơn giản kiểm soát đường huyết sau bữa ăn

Vận động ngắn trước bữa ăn, đi bộ sau bữa ăn, nhón gót chân là 3 mẹo đơn giản giúp kiểm soát đường huyết sau bữa ăn.

Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ hay thậm chí là thèm đồ ngọt ngay sau bữa ăn là tình trạng khá phổ biến, thường liên quan đến sự biến động của đường huyết. Những thói quen đơn giản có thể giúp bạn kiểm soát hiệu quả tình trạng này.

 Vận động ngắn trước bữa ăn, đi bộ sau bữa ăn, nhón gót chân là 3 mẹo đơn giản giúp kiểm soát đường huyết sau bữa ăn. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.

Vận động ngắn trước bữa ăn, đi bộ sau bữa ăn, nhón gót chân là 3 mẹo đơn giản giúp kiểm soát đường huyết sau bữa ăn. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.

Vì sao đường huyết “nhảy múa” sau bữa ăn?

Sau khi ăn, đặc biệt là các bữa ăn giàu carbohydrate (tinh bột, đường), lượng glucose trong máu sẽ tăng lên. Đôi khi sự gia tăng này diễn ra quá nhanh và mạnh, gọi là “đường huyết tăng vọt”.

Để phản ứng lại, cơ thể tiết ra insulin để đưa đường vào tế bào. Tuy nhiên, đôi khi cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng quá nhiều insulin, khiến đường huyết lại giảm xuống đột ngột. Tình trạng này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, nhanh đói trở lại và thèm đồ ngọt. Đây là một vòng luẩn quẩn “tăng rồi giảm” của đường huyết.

Về lâu dài, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, mức năng lượng mà còn có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin hoặc đái tháo đường type 2.

3 mẹo kiểm soát đường huyết tăng vọt từ chuyên gia

Theo chuyên gia dinh dưỡng đã chia sẻ 3 mẹo kiểm soát đường huyết hiệu quả bạn có thể áp dụng ngay sau bữa ăn:

Vận động ngắn trước bữa ăn: Thực hiện các bài tập cường độ cao (như bật nhảy tại chỗ, đi bộ nhanh, chạy nâng cao đùi) trong khoảng 2-3 phút, thực hiện trước bữa ăn chính khoảng 30 phút. Động tác này có thể giúp giảm đáng kể sự tăng vọt đường huyết sau ăn và hiệu quả có thể kéo dài đến 24 giờ.

Đi bộ sau bữa ăn: Một thói quen cực kỳ hữu ích là đi bộ nhẹ nhàng khoảng 15 phút ngay sau khi kết thúc bữa ăn. Việc này được chứng minh có thể giúp giảm tới 30% mức tăng đường huyết sau ăn.

Nhón gót chân (nếu phải ngồi): Trong trường hợp công việc hoặc hoàn cảnh không cho phép bạn đi lại sau bữa ăn, đừng lo lắng. Ngay cả việc ngồi tại chỗ và thực hiện động tác nhón gót chân lên xuống liên tục cũng có thể giúp giảm từ 20-30% lượng đường huyết tăng đột biến.

Chế độ ăn uống đóng vai trò then chốt

Bên cạnh vận động, điều chỉnh chế độ ăn cũng rất quan trọng. Đặc biệt, chất xơ được xem là yếu tố then chốt giúp kiểm soát đường huyết một cách tự nhiên.

Theo các chuyên gia chất xơ, có nhiều trong thực phẩm nguồn gốc thực vật, gồm hai loại là hòa tan và không hòa tan, cả hai đều góp phần kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Chất xơ hòa tan (có trong yến mạch, táo, lê, các loại đậu, hạt chia...) khi vào hệ tiêu hóa sẽ tạo thành một dạng gel, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường. Điều này ngăn chặn hiệu quả tình trạng đường huyết tăng vọt sau bữa ăn, đồng thời giúp duy trì mức năng lượng ổn định trong suốt cả ngày.

Việc áp dụng các biện pháp đơn giản như vận động nhẹ nhàng trước và sau bữa ăn, kết hợp với chế độ ăn giàu chất xơ là những chiến lược hiệu quả để kiểm soát đường huyết biến động, giúp bạn tránh được cảm giác mệt mỏi sau ăn và bảo vệ sức khỏe lâu dài.

PHƯƠNG LÊ

Theo Hindustantimes

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/3-meo-don-gian-kiem-soat-duong-huyet-sau-bua-an-post844732.html