3 năm chiến sự Nga-Ukraine: Diễn biến, tổn thất và triển vọng hòa bình

Ngày 24/2 đánh dấu 3 năm ngày xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Nga đã không giành được chiến thắng nhanh chóng và cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, không bên nào tạo được bước đột phá đáng kể trên chiến trường.

Theo giới quan sát, trong năm 2024, quân đội Nga đã có động lực lớn trên chiến trường nhưng chỉ đạt được những bước tiến khiêm tốn và chưa thể giành lại được toàn bộ khu vực Kursk mà lực lượng Ukraine chiếm đóng. Trong khi đó, Ukraine chịu tổn thất lớn và gặp phải tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc chấm dứt giao tranh đến nay vẫn đang tiếp diễn. Nếu không có một chiến lược rõ ràng hướng tới một thỏa thuận, nỗ lực hòa giải của ông Trump sẽ thất bại và cuộc chiến sẽ tiếp tục.

Theo các nhà phân tích phương Tây, điều gì xảy ra tiếp theo đều quan trọng đối với Mỹ. Nếu Moscow giành chiến thắng – dù trên chiến trường hay trên bàn đàm phán – thì Nga sẽ tạo ra mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn đối với châu Âu và các lợi ích then chốt của Mỹ.

Cuộc xung đột kéo dài và tốn kém

 Một người lính Nga bắn pháo D-30 về phía các vị trí của Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine. Ảnh: BQP Nga.

Một người lính Nga bắn pháo D-30 về phía các vị trí của Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine. Ảnh: BQP Nga.

Cuộc chiến Nga-Ukraine, được xem là cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II, bắt đầu cách đây 11 năm. Sau Cách mạng Maidan ở Ukraine, các lực lượng Nga đã chiếm giữ Crimea vào đầu năm 2014. Sau đó, Nga đã tham gia vào cuộc chiến ở Donbass, các lực lượng thân Nga và Nga chiếm giữ các phần của Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine.

Chiến dịch quân sự đa chiều của Nga bắt đầu vào ngày 24/2/2022 dường như có hai mục tiêu: nhanh chóng chiếm Kiev và chiếm từ một nửa đến 2/3 phía đông Ukraine. Lực lượng Ukraine đã chặn đứng quân đội Nga ngay gần thủ đô, đẩy lùi họ ra khỏi phía bắc và sau đó tiến hành các cuộc phản công thành công ở phía đông và phía nam.

Ukraine tiến hành các cuộc phản công tiếp theo vào năm 2023, nhưng những hạn chế về trang bị và các công sự phòng thủ rộng khắp của Nga đã cản trở các các chiến dịch này. Đến đầu năm 2024, cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao.

Quân đội Ukraine, huy động được khoảng 900.000 quân so với 1,3 triệu quân của Nga, đã phải vật lộn với các vấn đề trầm trọng về nhân lực, mặc dù họ đang thử những cách mới để thu hút tân binh.

Không khác gì so với năm 2022, người Ukraine vẫn phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí và đạn dược mà phương Tây viện trợ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay không tìm kiếm nguồn tài trợ mới của Quốc hội để viện trợ quân sự cho Kiev, điều đó có nghĩa là dòng vũ khí của Mỹ vào một thời điểm nào đó sẽ chấm dứt, sẽ gây nên tình trạng cạn nguồn viện trợ mà Ukraine từng gặp phải vào cuối năm 2023. Cơ sở công nghiệp quốc phòng của châu Âu cũng sẽ gặp khó khăn khi tự mình đáp ứng nhu cầu của Ukraine.

Nếu phải chỉ ra một bên có lợi thế trong năm 2024 thì đó là Nga, nhưng họ chỉ giành được một phần lãnh thổ hạn chế. Tính đến đầu năm 2025, quân đội Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Trong cả năm 2024, Nga giành thêm được 1.500 dặm vuông lãnh thổ Ukraine, tính theo tỷ lệ là chưa đến 1% lãnh thổ nước này. Quân đội Nga cũng chưa đuổi được lực lượng Ukraine khỏi khu vực Kursk của Nga.

Thiệt hại về nhân mạng

 Con số người chết và bị thương trong cuộc chiến Nga-Ukraine lên tới gần 42.000 người. Ảnh: HRW.

Con số người chết và bị thương trong cuộc chiến Nga-Ukraine lên tới gần 42.000 người. Ảnh: HRW.

Cuộc chiến giằng co đã khiến cả hai bên tổn thất nặng nề trong 3 năm qua. Con số thương vong mà mà các bên đưa ra cũng có sự khác biệt rõ ràng.

Viện Brookings ước tính có 172.000 người chết và 611.000 người bị thương bên phía Nga, nhiều người trong số họ bị thương nặng. Người Nga cũng bị tổn thất lớn về trang thiết bị, bao gồm khoảng 14.000 xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép.

Liên hợp quốc ước tính, hơn 11.700 người tử vong và hơn 24.600 người khác bị thương, cùng hàng trăm nghìn binh sĩ Nga, Ukraine tử trận hoặc bị thương trong xung đột. Bộ Quốc phòng Nga công bố số liệu ghi nhận trong cả năm 2024, quân đội Ukraine đã mất 593.410 binh sĩ trong chiến đấu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận con số thương vong của Ukraine trong cuộc chiến kéo dài gần 3 năm với Nga là hơn 45.000 người thiệt mạng và 390.000 người bị thương. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 29/1 thông báo trên Facebook rằng 834.670 quân nhân Nga đã bị thương vong ở Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2022 đến ngày 29/1/2025.

 Hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự. Ảnh: CNN.

Hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự. Ảnh: CNN.

Hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, đến các vùng khác của Ukraine hoặc các quốc gia khác, trong những năm kể từ khi xung đột bắt đầu.

Theo dữ liệu đến cuối năm 2024 từ cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine đang sống ở châu Âu, bao gồm khoảng 1,2 triệu người ở Đức, gần 1 triệu người ở Ba Lan và 390.000 người ở Cộng hòa Séc.

Ukraine mất 18% lãnh thổ

Khi bắt đầu cuộc chiến, Ukraine đã rút quân khỏi thủ đô Kiev và sau đó giành được chiến thắng ở các khu vực phía đông bắc Kharkov và phía nam khu vực Kherson. Nhưng họ cũng chịu tổn thất lớn ở các khu vực phía đông xung quanh Donetsk và Bakhmut.

Theo phân tích dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cơ quan giám sát xung đột có trụ sở tại Mỹ, kể từ khi xung đột bắt đầu, Ukraine đã mất quyền kiểm soát khoảng 11% lãnh thổ. Nếu tính cả lãnh thổ đã mất vào tay Nga và lực lượng được Nga hậu thuẫn kể từ năm 2014, tổng diện tích mà Ukraine đã mất vào tay Nga là khoảng 18%.

Năm 2014, các lực lượng Nga đã sáp nhập Crimea, ngay sau khi sự kiện Cách mạng Maidan gây ra tình trạng bất ổn ở Kiev. Cuối năm đó, phe ly khai thân Nga đã nắm quyền kiểm soát các khu vực ở Donbass.

Nguồn viện trợ cho Ukraine gặp đe dọa

 Tỷ lệ đóng góp tiền viện trợ cho Ukraine của các nước. Ảnh: ISW.

Tỷ lệ đóng góp tiền viện trợ cho Ukraine của các nước. Ảnh: ISW.

Mỹ là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2022, cung cấp khoảng 95 tỷ USD viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính. Những khoản viện trợ này có thể gặp nguy hiểm dưới thời chính quyền Trump.

Ông Trump đã chỉ trích việc Mỹ gửi tiền cho Ukraine trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của mình. Gần đây, ông đề xuất thực hiện một cách tiếp cận mang tính giao dịch để viện trợ, nói rằng Mỹ phải nhận được quyền tiếp cận các khoáng sản đất hiếm của Ukraine như điều kiện để tiếp tục viện trợ, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ.

“Tôi đã nói với họ rằng tôi muốn thứ tương đương, chẳng hạn như đất hiếm trị giá 500 tỷ USD, và về cơ bản họ đã đồng ý làm điều đó, nên ít nhất chúng tôi không cảm thấy ngu ngốc. Nếu không thì chúng ta thật ngu ngốc. Tôi nói với họ, chúng ta phải đạt được thứ gì đó. Chúng tôi không thể tiếp tục trả số tiền này”, ông Trump nói với Fox News hồi đầu tháng.

Ukraine đã bị ảnh hưởng bởi việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ngừng hoạt động gần đây. Việc đóng băng hoạt động tài trợ đã khiến các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện của Ukraine phải cắt giảm, bao gồm sa thải nhân viên và tạm thời đóng cửa các đường dây trợ giúp tự tử và các dự án phát hiện HIV. Trong 3 năm qua, Ukraine là nước nhận được nguồn tài trợ lớn nhất của USAID.

Chia rẽ về các điều kiện hòa bình

 Các bên vẫn có nhiều điểm bất đồng về điều kiện hòa bình. Ảnh: NBC News.

Các bên vẫn có nhiều điểm bất đồng về điều kiện hòa bình. Ảnh: NBC News.

Sự khác biệt giữa yêu sách của các bên đến nay vẫn khiến cho các vòng đàm phán bị đình trệ. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần nhắc lại mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt là phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, Ukraine phải cam kết trung lập, không gia nhập NATO và chấp nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập.

Yêu cầu hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào năm 2022 là việc Nga rút quân hoàn toàn và khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine, bồi thường thiệt hại cho Ukraine và đưa tội phạm chiến tranh ra xét xử.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người Ukraine ủng hộ đàm phán, mặc dù một bộ phận đáng kể dân chúng phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ. Điều đó có thể hạn chế quyền tự do hành động của ông Zelensky trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Vào cuối năm 2024, ông Zelensky dường như đã đưa ra tín hiệu về sự linh hoạt trong đàm phán, nói rằng cuộc giao tranh có thể kết thúc bằng việc trả lại lãnh thổ Ukraine thông qua các biện pháp ngoại giao, với điều kiện Ukraine được gia nhập NATO.

Giải pháp của ông Trump

 Ông Donald Trump đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9/2024 tại New York. Ảnh: WSJ.

Ông Donald Trump đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9/2024 tại New York. Ảnh: WSJ.

Ông Trump từ lâu đã khẳng định rằng ông có thể nhanh chóng làm trung gian để chấm dứt chiến tranh. Cuộc đàm phán chính sẽ phải diễn ra giữa người Ukraine và người Nga, và châu Âu nên tham gia.

Chính quyền Trump đã bắt đầu nỗ lực hòa giải vào tháng 2 năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth gọi mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ và tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là “không thực tế”. Ông Hegseth dường như đã thừa nhận hai điểm mấu chốt phù hợp với quan điểm của Moscow trước khi ngồi vào bàn thương lượng.

Ông Trump sau đó đã có cuộc điện đàm với ông Putin, sau đó ông tuyên bố nhà lãnh đạo Nga mong muốn hòa bình và cho biết họ sẽ sớm gặp nhau. Lãnh đạo Mỹ sau đó đã gọi cho ông Zelensky nhưng nói với báo chí rằng ông đồng tình với ông Hegseth về vấn đề lãnh thổ và tư cách thành viên NATO.

Phó Tổng thống J.D. Vance dường như đã có cơ hội tại Hội nghị An ninh Munich để giải quyết một số vấn đề liên quan tới cuộc xung đột, nhưng thay vào đó lại chỉ trích vấn đề nội bộ của châu Âu.

 Các quan chức Mỹ và Nga gặp nhau để đàm phán tại Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. Ảnh: AFP.

Các quan chức Mỹ và Nga gặp nhau để đàm phán tại Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. Ảnh: AFP.

Những thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ đã khiến châu Âu choáng váng. Ông Zelensky cho biết ông từng hy vọng sẽ phối hợp với Washington trước về kế hoạch “ngăn chặn Putin” và nói rõ rằng ông sẽ không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào không có sự tham gia của Ukraine.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh nhu cầu tham gia các vòng đàm phán của họ. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu nói rằng “bất kỳ thỏa thuận nào sau lưng chúng tôi sẽ không có hiệu quả”.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng lẽ ra ông Trump nên thảo luận với ông Zelensky trước khi nói chuyện với ông Putin, và sau đó phải tham vấn với các lãnh đạo chủ chốt của châu Âu. Nhưng thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov vào ngày 18/4 để thảo luận về cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong khi đó, Ukraine không được mời tham dự.

Những bước đi đầu tiên của chính quyền Trump làm dấy lên hy vọng tan băng trong quan hệ với Moscow, phá vỡ thế “cô lập” mà chính quyền Biden trước đây áp đặt với Nga. Tuy nhiên, chính quyền Trump lại xa lánh các đối tác châu Âu, buộc họ phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn để đảm bảo an ninh cho Ukraine. Động thái mới cũng làm dấy lên lo ngại ở Ukraine.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/3-nam-chien-su-nga-ukraine-dien-bien-ton-that-va-trien-vong-hoa-binh-post182994.html