Sân bay quốc tế lớn nhất Pakistan không một bóng hành khách

Mới nhất, lớn nhất, tốn kém nhất nhưng sân bay quốc tế Gwadar của Pakistan lại chẳng có hành khách hay chuyến bay nào dù hoàn thành vào tháng 10-2024.

Trải rộng trên diện tích hơn 1.700 ha, sân bay Gwadar là sân bay quốc tế lớn nhất của Pakistan, chính thức khai trương vào ngày 20-1 năm nay. Quá trình xây dựng sân bay Gwadar bắt đầu từ năm 2019.

Theo Times of India, sân bay Gwadar do Trung Quốc tài trợ toàn bộ với chi phí khoảng 240 triệu USD. Nó được thiết kế để phục vụ tới 400.000 hành khách mỗi năm nhưng hiện chưa có chuyến bay theo lịch trình.

Máy bay PK 503 của hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) là máy bay thương mại đầu tiên đến sân bay Gwadar sau khi nó khánh thành, chở theo hành khách và các quan chức cấp cao.

Sân bay mới nhất của Pakistan tại Gwadar vẫn chưa được sử dụng nhiều tháng sau khi hoàn thành vào tháng 10-2024. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sân bay mới nhất của Pakistan tại Gwadar vẫn chưa được sử dụng nhiều tháng sau khi hoàn thành vào tháng 10-2024. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nằm trong Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), một dự án trị giá hàng tỉ USD nhằm mục đích nối liền tỉnh Tân Cương của Trung Quốc với biển Ả Rập, sân bay Gwadar không được cư dân địa phương đánh giá cao vì ít mang lại lợi ích cho họ.

Thành phố ven biển Gwadar, nằm ở tỉnh Balochistan của Pakistan, thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản như nguồn cung cấp điện ổn định và nước sạch. Thành phố này không được kết nối với lưới điện quốc gia. Điện được lấy từ nước láng giềng Iran hoặc các tấm pin năng lượng mặt trời.

Chuyên gia về quan hệ Pakistan - Trung Quốc Azeem Khalid bình luận: "Sân bay này không dành cho Pakistan hay Gwadar. Nó dành cho Trung Quốc, để họ có thể đảm bảo an toàn cho công dân mình đến Gwadar và Balochistan".

Việc xây dựng sân bay Gwadar diễn ra trong bối cảnh Balochistan đối mặt với những thách thức về an ninh. Các nhóm ly khai trong tỉnh này phản đối hoạt động khai thác tài nguyên địa phương, nhắm vào cả lực lượng an ninh Pakistan lẫn công nhân Trung Quốc.

Pakistan đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Gwadar để bảo vệ các khoản đầu tư của Trung Quốc, dẫn đến việc lập thêm nhiều trạm kiểm soát và hạn chế di chuyển. Đường sá thường xuyên bị đóng để đảm bảo an toàn cho công nhân Trung Quốc và các quan chức cấp cao.

Nhà chức trách tuyên bố CPEC đã tạo ra 2.000 việc làm nhưng không rõ chúng thuộc về cư dân địa phương ở Balochistan hay các vùng khác của Pakistan.

Tại Gwadar, chỉ có một tuyến bay thương mại hoạt động 3 lần/tuần đến Karachi. Không có chuyến bay thẳng đến Quetta, thủ phủ của tỉnh, hoặc Islamabad.

Trước đó, việc mở cửa sân bay Gwadar bị trì hoãn do rủi ro an ninh. Chính quyền lo ngại rằng những ngọn núi gần đó có thể được sử dụng để phát động các cuộc tấn công. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tổ chức lễ khánh thành sân bay trực tuyến. Chuyến bay đầu tiên hạ cánh mà không có sự hiện diện của giới truyền thông hoặc công chúng.

Quan chức Abdul Ghafoor Hoth nói rằng không có cư dân địa phương nào được thuê làm việc tại sân bay Gwadar.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/san-bay-quoc-te-lon-nhat-pakistan-khong-mot-bong-hanh-khach-196250223212521238.htm