3 năm xung đột Nga - Ukraine và đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta
Trước những hậu quả và biến động, hệ lụy khôn lường của cuộc xung đột Nga - Ukraina càng cho thấy đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn.

Người dân Ukraine tại TP Irpin gần thủ đô Kiev gom hành lý rời căn nhà đang cháy vì bị trúng pháo. Ảnh: AFP
Tròn 3 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina bùng nổ vào tháng 2/2022. Cuộc chiến này không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của cho cả hai bên, mà còn tạo ra những biến động, hệ lụy lớn cho toàn cầu trên mọi lĩnh vực.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đồng thời tuân thủ nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Có thể thấy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ tháng 2/2022 với nhiều biến động phức tạp. Giai đoạn 2022 - 2023 được coi là khởi đầu và leo thang. Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào Ukraine với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát các khu vực quan trọng. Tuy nhiên, sự kháng cự mạnh mẽ từ phía Ukraine đã khiến cuộc xung đột kéo dài và lan rộng.
Năm 2024 chứng kiến những thay đổi quan trọng trong chiến lược của cả hai bên. Mặc dù đạt được một số tiến bộ, Nga phải đối mặt với tổn thất lớn về nhân lực và thiết bị quân sự, dẫn đến việc huy động thêm lực lượng và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh như Triều Tiên.
Về phía Ukraine, sự phụ thuộc vào viện trợ quân sự từ phương Tây, đặc biệt là từ Hoa Kỳ trở nên rõ rệt. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào năm 2025 và có ý định thúc đẩy đàm phán hòa bình, tương lai của sự hỗ trợ này trở nên không chắc chắn, gây lo ngại cho Ukraine về khả năng duy trì cuộc kháng chiến.
Cuộc xung đột kéo dài đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt. Chưa có một thống kê đầy đủ nhưng qua các nguồn thông tin từ hai bên cho thấy, về con người: hàng trăm nghìn binh sĩ của cả hai bên thương vong; hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, hàng triệu người bị ảnh hưởng; hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, trong đó nhiều người tị nạn sang các nước châu Âu.
Về kinh tế, Ukraine chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, ước tính lên đến hàng trăm tỷ USD; Nga bị phương Tây và đồng minh áp đặt hàng chục nghìn biện pháp trừng phạt, khiến nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp bị hạn chế giao thương; giá năng lượng và lương thực toàn cầu biến động, gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu lúa mì từ Ukraine và dầu khí từ Nga.
Về chính trị, quan hệ Nga - phương Tây xấu đi nghiêm trọng, kéo theo nguy cơ chiến tranh lạnh mới; NATO mở rộng khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, làm thay đổi cán cân an ninh châu Âu; Ukraine tăng cường liên minh với phương Tây, đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU và NATO.
Xung đột thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác; các nước tăng cường đầu tư vào công nghệ quân sự, đặc biệt là UAV và vũ khí tầm xa. Bên cạnh đó là hậu quả về nhân đạo cũng rất đáng lo ngại như: khủng hoảng lương thực, nước sạch, y tế ở nhiều vùng chiến sự; tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền gia tăng; tâm lý bất ổn, thù hận kéo dài giữa hai dân tộc Nga và Ukraine, nguy cơ lan sang các dân tộc khác.
Cuộc xung đột này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, hậu quả và hệ lụy của nó có thể kéo dài trong nhiều năm tới.
Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ ràng đường lối đối ngoại 4 không: “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” (Sách trắng quốc phòng 2019) và phương châm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “từ sớm từ xa, từ khi nước chưa nguy”, vận dụng “ngoại giao cây tre”. Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Nước ta luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, ngừng bắn và tiến hành đối thoại để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Chúng ta cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia.
Thực tiễn cho thấy, đường lối đối ngoại và phương châm giữ nước của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn. Việc duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các quốc gia trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và khó lường, việc kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cùng với tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.