Ba năm xung đột Nga-Ukraine: Moscow bất ngờ dội 'mưa' UAV lớn chưa từng có, ra lập trường về hòa bình, Kiev huy động tổng lực
Tròn 3 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moscow khẳng định muốn có một thỏa thuận giải quyết nguyên nhân gốc rễ xung đột, còn Kiev tuyên bố vẫn nhìn thấy cơ hội thực sự để bảo đảm hòa bình.

Ba năm xung đột Nga-Ukraine, Kiev vẫn nhìn thấy cơ hội thực sự cho hòa bình. (Nguồn: Sky News)
Ngay trước dấu mốc 3 năm xung đột ở Ukraine, ngày 23/2, hãng tin Newsweek dẫn lời người phát ngôn Không quân nước này Yuriy Ignat cho biết, 267 thiết bị bay không người lái (UAV) đã xâm nhập không phận quốc gia Đông Âu.
Theo Newsweek, đây là đợt triển khai UAV quy mô lớn nhất của Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu nổ ra ngày 24/2/2022. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 138 UAV tấn công loại Shahed, trong khi 119 chiếc khác biến mất khỏi màn hình radar, 3 UAV bay về phía Belarus và một chiếc bay về phía Nga.
Mặc dù phòng không Ukraine đã đánh chặn được nhiều UAV, vụ việc vẫn gây thiệt hại đáng kể tại nhiều khu vực bao gồm Dnipropetrovsk, Odessa, Poltava, Kiev và Zaporizhzhia.
Bất chấp những giao tranh ác liệt diễn ra trên thực địa, ngày 24/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA cho biết, Moscow đang tìm kiếm một thỏa thuận về Ukraine có thể đứng vững trước thử thách của thời gian.
Ông nói: "Chúng tôi có thể nhận thấy rõ ràng mong muốn của phía Mỹ hướng tới một lệnh ngừng bắn nhanh chóng... Nhưng ngừng bắn mà không có giải pháp dài hạn sẽ dẫn tới việc nhanh chóng nối lại giao tranh và xung đột với những hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn, bao gồm cả hậu quả đối với quan hệ Nga-Mỹ. Chúng tôi không muốn điều này".
Theo quan chức ngoại giao, Nga cần một giải pháp dài hạn, mà "bản thân giải pháp đó phải bao gồm yếu tố loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của những gì đã và đang xảy ra ở trong và xung quanh Ukraine".
Ông Ryabkov nhắc lại quan điểm của Moscow rằng, nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine do sự mở rộng "không kiềm chế" về phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cũng phàn nàn việc chà đạp quyền của cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine, cáo buộc mà Kiev bác bỏ.
Về phía Ukraine, Ngoại trưởng Andrii Sybiha ngày 23/2 cho biết, Tổng thống Zelensky đặt mục tiêu chấm dứt xung đột với Nga và đạt được hòa bình công bằng trong năm 2025.
Phát biểu tại diễn đàn "Ukraine: Năm 2025", ông Sybiha nhấn mạnh, mặc dù đã bước vào năm thứ 3 của cuộc xung đột, Kiev vẫn nhìn thấy cơ hội thực sự để bảo đảm hòa bình.
Theo ông, cần huy động toàn bộ các phái đoàn ngoại giao của Ukraine để đạt được mục tiêu của Tổng thống Zelensky là chấm dứt xung đột trong năm 2025, đồng thời khẳng định cam kết của Ukraine trong việc củng cố vị thế toàn cầu của mình.
Lưu ý rằng kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ quyết định sự an toàn và cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình châu Âu xuyên Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Sybiha khẳng định, an ninh của Ukraine không thể tách rời an ninh của châu Âu và của Mỹ.