3 người chết, trên 1.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại hơn 24 tỷ đồng do mưa lũ
BHG - Trong 14 giờ qua (từ 19 giờ 00 ngày 9.6 - 09 giờ ngày 10.6), các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Thượng Sơn, Quảng Ngần, Cao Bồ (Vị Xuyên), Tân Lập (Bắc Quang), Tùng Vài (Quản Bạ) có lượng mưa trên 200mm; nhiều nơi trên 100mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Đến 16 giờ ngày 10.6, ngoài 2 bố con ở xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì bị lũ cuốn trôi trên đường về nhà đã được Báo Hà Giang thông tin, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 1 người bị chết là chị Lò Thị Cho, sinh năm 1982, trú tại thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, trên đường đi làm tại thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván về thì bị đất đá vùi lấp do sạt lở.
Thiên tai cũng khiến trên 1.000 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó thành phố Hà Giang có gần 1.000 nhà bị ngập úng, nước tràn vào nhà; huyện Vị Xuyên có 172 nhà bị thiệt hại (2 nhà sập hoàn toàn); Bắc Quang có 147 nhà bị ngập úng; Bắc Mê 4 nhà có nguy cơ sạt lở; Xín Mần có 3 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị sập hoàn toàn); Yên Minh 4 nhà; Đồng Văn 7 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị sập hoàn toàn). Mưa lũ khiến trên 221 ha lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhất tại huyện Vị Xuyên 69,62 ha, Bắc Mê gần 42 ha, Bắc Quang 23,5 ha, thành phố Hà Giang15 ha; trên 19 ha ao nuôi cá bị thiệt hại tại các huyện: Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên; hàng trăm con gia súc, gia cầm, tài sản khác của người dân bị lũ cuốn trôi.
Đặc biệt, mưa lũ diện rộng khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng, ách tắc giao thông. Quốc lộ 34 ngập úng tại các vị trí Km2+300, Km3+400 với chiều cao mực nước ngập từ 0,8m - 1,2m; tại vị trí đường tràn Km18+900 ngập trên 0,8m. Quốc lộ 279 (Pắc Há – Liên Hiệp) ngập úng tại các vị trí: Km10+800, Km11+400 với mực nước ngập gần 1m; Quốc lộ 4C ngập úng tại các vị trí: Km3+800; Km6+00; Km10+300 với mực nước ngập từ gần 1m. Tại vị trí Km20+278,47 - Km20+310, thuộc phạm vi dự án Xử lý vị trí nguy cơ mất ATGT đoạn Km19+500 - Km21+300 QL.4C (địa phận xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên) đất, đá sạt lở vượt qua hàng rào lưới B40 xuống đường, khối lượng ước tính 1.500 m3, hiện tại đất, đá trên taluy dương vẫn tiếp tục sạt lở xuống nền, mặt đường, các viên đá tảng kích thước lớn nằm trên mái ta luy có thể lăn xuống đường bất cứ lúc nào, đồng thời trên đỉnh taluy dương có vị trí cột điện số 26 đường dây 110 kV sông Miện - Yên Minh, có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện và an toàn giao thông.
Các tuyến đường tỉnh, huyện gồm: Đồng Văn - Khia Lía; Tráng Kìm – Đường Thượng, Ngọc Đường – Tùng Bá – Tráng Kìm đều có nhiều điểm ngập úng, sạt lở, gây ách tắc giao thông. Tại thành phố Hà Giang ghi nhận trên 30 điểm ngập úng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Tại huyện Vị Xuyên có 7 cầu treo, cầu đập tràn tại các xã: Thuận Hòa, Thanh Thủy, Việt Lâm, Cao Bồ bị ảnh hưởng, hư hỏng; nhiều tuyến đường vào các xã bị ngập úng, chia cắt cục bộ. Tại huyện Hoàng Su Phì, có 5 tuyến đường, 41 vị trí sạt lở với tổng khối lượng 2.480 m3, làm ắch tắc một số đoạn ô tô không đi lại được...
Tại huyện Mèo Vạc, do tuyến đường chính xuống sông Nho Quế, vào 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ đang được thi công xây dựng, mưa lớn đã khiến tuyến đường bị chia bắt, lượng đất, đá sạt lở từ núi xuống mặt đường nhiều, khe suối ngập sâu khiến một số du khách và người dân địa phương bị mắc kẹt.
Để đảm bảo an toàn hỗ trợ du khách, người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, các lực lượng chức năng, đơn vị đang thi công tuyến đường đã trắng đêm canh lũ, đặt biển chỉ dẫn, căng dây cảnh báo, chốt chặn tại đầu tuyến đường xuống Sông Nho Quế, vào 3 xã biên giới, tuần tra trên các trục đường, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ kịp thời cho người dân và du khách.
Mưa lũ cũng gây ngập tầng 1 của 4 trường mầm non, tiểu học tại thành phố Hà Giang; 1 công trình kè, 1 đường ống cấp nước bị hư hỏng, trên 100 xe máy, 60 xe ô tô bị ngập nước, nhiều ti vi, tủ lạnh, máy giặt của người dân bị hư hỏng do nước lên nhanh không kịp di dời. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trên 24 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, thăm hỏi gia đình có người tử vong, huy động máy móc san gạt các tuyến đường giao thông; huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi, ổn định cuộc sống và sản xuất; ứng trực phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Hiện nay, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp; Hà Giang nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, diễn biến của thời tiết, kịp thời xử lý khi phát sinh các tình huống thiên tai.