3 người ở xã Cao Minh bị ngộ độc vì ăn hoa chuông
Chiều 10-7, Trung tâm Y tế Pác Nặm tiếp nhận, cấp cứu 3 bệnh nhân gồm: Ông Triệu Tòn Pham, 51 tuổi và bà Phượng Mùi Khé 74 tuổi, cùng ở thôn Nặm Sai; ông Dương Văn Thủy, 51 tuổi, ở thôn Hưng Thịnh, thuộc xã Cao Minh (Thái Nguyên).

Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho bà Phượng Mùi Khé. Ảnh: Văn Lạ
Trước đó, cả ba người đã ăn hoa chuông và sau đó xuất hiện các triệu chứng như: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau ngực, ý thức mơ hồ, đồng tử giãn nhẹ, khó thở, ảo giác, môi và tứ chi tím tái.
Nghi ngờ các thành viên trong gia đình bị ngộ độc, người nhà đã nhanh chóng đưa cả ba bệnh nhân đến Trung tâm Y tế Pác Nặm để cấp cứu. Qua thăm khám và khai thác thông tin, các bác sĩ xác định: Cả ba người đều xuất hiện các triệu chứng bất thường sau bữa cơm trưa với món hoa chuông xào tại nhà ông Pham.
Các bệnh nhân đang được theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc.
Tên khoa học của cây hoa chuông là Scopolamine, đây là một loại cây thân thảo, có xuất xứ từ Borrachero. Hoa chuông có hình dạng gần giống hoa loa kèn, thường có màu trắng và vàng, khi nở sẽ xòe to và rũ xuống rất đẹp mắt nên thường được trồng để làm cảnh.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng hoa chuông làm thức ăn, bởi tất cả bộ phận của hoa chuông đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc nặng, thậm chí tử vong.