3 người phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc khí từ một chiếc bình 'lạ'
Trong lúc nhóm lao động khò bình phế liệu cũ, khí độc bất ngờ bốc lên khiến cho 3 người ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu.
Sáng 12/1, tại một điểm thu gom phế liệu ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nhóm lao động gồm 9 người trong lúc khò phế liệu cũ, bất ngờ bị khí độc bốc lên nghi ngút cao tới 5m, khiến 1 người ngất tại chỗ, 2 người khác bị thương nặng phải vào nhập viện.
Là người nhẹ nhất nhập viện tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, anh Seo Văn Kh. (34 tuổi, trú tại xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cho biết, khi anh vừa cắt dây thép của một chiếc bình "lạ", đang dùng máy khò thì khói bốc lên rất mạnh, cao tới 5m bay vào mắt và họng khiến anh không thở và nói được, lập tức bỏ chạy.
Theo miêu tả của anh Kh., chiếc bình này bằng sắt, to như bình gas, có quấn dây thép. Cùng khò chiếc bình này có tất cả 9 người, những người đứng xa hơn ban đầu không chú ý, sau thấy khó thở thì mới bỏ chạy. Tuy nhiên, có 2 nạn nhân nặng nhất, trong đó có ông N.V.M, 63 tuổi ngất tại chỗ.
Theo anh Kh., anh mới vào làm phân loại phế liệu được 2 tuần thì xảy ra tai nạn. Phế liệu có rất nhiều thứ, có loại bình các anh phải đập ra, sau đó dùng máy cắt thành sắt vụn. Hoặc với những bình gas được thu gom sẽ phải mở cho hết khí gas, rồi mới lấy máy cắt.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các nạn nhân khò bình phế liệu, nhưng bên trong bình chứa hóa chất và khí độc. Khí độc này đã bốc ra làm 3 người bị ngộ độc phải vào nhập viện, 6 người khác đang theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo thông tin và hình ảnh người nhà cung cấp, bác sĩ Nguyên nghi ngờ ngộ độc hợp chất có chứa khí Clo. Người khò bình để thu phế liệu dẫn đến khí độc phun ra. Sau đó, người dân còn di chuyển chiếc bình dẫn tới bột khí vung vãi khắp nơi.
Khi tiếp nhận các bệnh nhân này, 2 người trong tình trạng suy hô hấp nặng. Bác sĩ phải cấp cứu nhanh chóng do bệnh nhân bị tổn thương đường hô hấp, đau ngực, khó thở, suy hô hấp.
Trường hợp nặng nhất đang phải thở máy là bệnh nhân N.V.M. Ông M. bị ngừng tuần hoàn phải hô hấp nhận tạo, đường thở chít hẹp, phù nề, co thắt.
"Nếu bệnh nhân tới viện chậm sẽ tử vong. Hiện chúng tôi đã mở nội khí quản, cho bệnh nhân sử dụng thuốc giãn cơ, an thần. Bệnh nhân có đáp ứng điều trị nhưng về lâu dài có thể bị tổn thương về phổi", bác sĩ Nguyên cho hay.
Trường hợp nặng thứ hai là bà N.T.T, 54 tuổi, vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tiên lượng nặng, nhưng may mắn đáp ứng tốt không phải thở máy, chỉ thở oxy.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, ngộ độc khí Clo rất nguy hiểm, gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, mũi họng, phổi mắt, gây bỏng và tổn thương sâu.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, khi có các bình khí không rõ nguồn gốc, người dân không tự ý khò bình hay ép lấy phế liệu. Trong các bình kín này có thể chứa hóa chất nguy hiểm thậm chí phóng xạ, bom mìn. Các bình này cần giao cho cơ quan chuyên trách có biện pháp xử lý.
Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí tương tự. Các bệnh nhân bị bỏng đường hô hấp, tổn thương phổi nặng và có thể gây tổn thương phổi, sẹo, xơ phổi.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo 6 bệnh nhân đang theo dõi tại nhà cần theo dõi sức khỏe, nếu thấy có biểu hiện bất thường thì đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.