3 rủi ro lớn mà ngành ngân hàng Mỹ đang phải đối diện
Đã 1 tháng trôi qua kể từ khi Silicon Valley Bank sụp đổ và gây chấn động trên thị trường tài chính toàn cầu, đến nay, tâm lý của nhà đầu tư đã ổn định hơn, nhưng các rủi ro vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.
Mike Mayo, Chuyên viên phân tích tại Wells Fargo cho biết, đây là lúc phải cực kỳ cảnh giác với những yếu tố có thể làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Các cơ quan điều hành lẫn các nhà đầu tư đều đang cảnh giác cao độ sau sự sụp đổ của SVB.
Khi được hỏi về những rủi ro mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt, phần lớn các chuyên gia chỉ tới 3 yếu tố có thể gây ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng đó là: bất động sản thương mại, khoản lỗ chưa thực hiện và các ngân hàng ngầm (shadow banks).
Bất động sản thương mại bao gồm văn phòng, căn hộ, nhà kho và trung tâm thương mại gần đây đã phải chịu nhiều áp lực trong bối cảnh lãi suất đang tăng mạnh. Theo Rich Hill, Trưởng bộ phận chiến lược bất động sản tại Cohen & Steers, định giá của bất động sản thương mại có thể giảm từ 20%-25% trong năm 2023. Với phân khúc văn phòng, mức giảm còn có thể mạnh hơn khoảng 30%.
Bất động sản văn phòng hiện đang phải chịu nhiều áp lực. Theo dữ liệu từ Kastle, tỷ lệ lấp đầy trung bình ở các văn phòng tại Mỹ vẫn thấp hơn 50% so với mức đỉnh tháng 3/2020.
Khoảng 270 tỷ USD khoản nợ bất động sản thương mại ở các ngân hàng sẽ đến hạn trong năm 2023. Gần 1/3 khoản này (80 tỷ USD) nằm ở phân khúc bất động sản văn phòng.
Theo công ty dữ liệu Trepp, các tín hiệu bất ổn tài chính ngày càng gia tăng với khoản thế chấp văn phòng thương mại, tỷ lệ người trả nợ quá hạn ngày càng tăng. Một doanh nghiệp thuộc công ty quản lý tài sản PIMCO gần đây cũng lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Đây có thể là rắc rối tiềm tàng cho các ngân hàng khi xét tới tỷ lệ cho vay đáng kể của họ với lĩnh vực này. Goldman Sachs ước tính 55% khoản vay mua bất động sản văn phòng tại Mỹ nằm trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Các ngân hàng địa phương và cộng đồng vốn đã chịu áp lực từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank chiếm tới 23% các khoản vay này.
Trở lại thời điểm lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng Mỹ gom rất nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp MBS. Tuy nhiên, khi Fed và các ngân hàng trung ương khác nâng lãi suất lên mức cao, giá trị của các loại chứng khoán này đã giảm mạnh.
Kết quả là các ngân hàng Mỹ ghi nhận khoản lỗ khoảng 620 tỷ USD chưa thực hiện từ trái phiếu và MBS trên bảng cân đối kế toán. Nếu bị kẹt thanh khoản, họ có thể buộc phải bán lỗ như trường hợp của SVB.
Trong khi đó, ngân hàng ngầm - ý muốn nói tới các chính sách cho vay tiền (giống với ngân hàng), nhưng không nhận tiền gửi từ khách hàng.
Với các chính sách vay tiền thuộc ngân hàng ngầm, họ không chịu các quy định nghiêm ngặt như các ngân hàng, điều này có nghĩa họ có thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Tuy nhiên, họ có thể không nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ nếu khủng hoảng xảy ra.
Theo CNN, sự sụp đổ của SVB còn là lời nhắc nhở rằng các ngân hàng là tổ chức vận hành nhiều mảng khác nhau và rất to lớn, do con người điều hành và phục vụ những con người khác. Không ai trong số họ hoàn toàn lý trí. Điều này nghe vẻ đơn giản, nhưng lại phù hợp với một ngành phụ thuộc nhiều vào niềm tin như ngân hàng.