'3 sạch' để không còn nỗi lo về bệnh tay chân miệng

Trước tình hình số ca mắc, nghi mắc bệnh tay chân miệng tăng cao đột biến, ngành Y tế Phú Yên tăng cường công tác truyền thông, giám sát, điều tra xử lý ổ dịch tay chân miệng, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế không để dịch bùng phát và lan rộng.

Bác sĩ khám một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Bác sĩ khám một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng tại nhiều tỉnh, thành trong nước; nhiều ca biến chứng nặng và tử vong. Theo nhận xét của các bệnh viện tuyến trên ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số bệnh viện khác, số ca bệnh tay chân miệng biến chứng nặng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Số ca bệnh tăng cao

Tại Phú Yên, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 16/7, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 231 ca bệnh tay chân miệng, 13 ổ dịch. Hai địa phương có số ca mắc cao nhất là TP Tuy Hòa và huyện Tuy An, mỗi địa phương ghi nhận 79 ca; sau đó đến TX Đông Hòa: 22 ca, huyện Phú Hòa: 18 ca, huyện Tây Hòa: 14 ca.

Đáng chú ý là trong tuần 27, số ca mắc, nghi mắc bệnh tay chân miệng tăng cao đột biến so với các tuần trước đó, đặc biệt ghi nhận 2 trường hợp tử vong và 5 ổ dịch. Đa số các ca bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, có triệu chứng nặng phân độ 2a, 2b chiếm tỉ lệ cao.

Ngành Y tế Phú Yên đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong. Tất cả các ổ dịch tay chân miệng đều được xử lý theo đúng quy định. Tại huyện Tuy An, một trường mẫu giáo ở xã An Ninh Tây cho học sinh nghỉ học để tiến hành khử khuẩn toàn trường.

Ngành Y tế Phú Yên cũng đã tổ chức đoàn đến kiểm tra, củng cố các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn đánh giá công tác phòng bệnh, điều trị bệnh tay chân miệng và công tác giám sát được triển khai kịp thời, riêng công tác truyền thông vẫn chưa được đẩy mạnh.

Trước thực trạng trên, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, giám sát, điều tra xử lý ổ dịch tay chân miệng, phát hiện sớm ca mắc, nghi mắc bệnh tay chân miệng tại cộng đồng, khống chế không để dịch bùng phát và lan rộng. Song song đó, lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và bệnh dại đã được tổ chức cho cán bộ y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện.

Phòng bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do các virus đường ruột họ Picornaviridae gây ra, phổ biến nhất là Coxsackievirus A và Enterovirus 71 (EV-71). Đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, có xu hướng gia tăng từ tháng 3-5 và tháng 9-12 hàng năm.

Virus rất dễ lây do tiếp xúc với dịch mũi họng, nước bọt, dịch từ nốt bọng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Đặc biệt, trẻ từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn lây truyền mầm bệnh trong một vài tuần sau khi khỏi bệnh. Do đó, nhà trẻ, trường mẫu giáo, những nơi vui chơi tập trung có nguy cơ lây truyền bệnh cao, nhất là trong các đợt dịch.

Đa số các trường hợp mắc bệnh có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên bệnh truyền nhiễm này có thể gây biến chứng nặng nề, nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trường hợp nhiễm virus EV 71 dễ gây ra các biến chứng nặng.

Để phòng chống bệnh tay chân miệng chỉ cần thực hiện tốt “3 sạch”: Bàn tay sạch, ăn uống sạch và ở sạch.

Để bàn tay sạch cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ; rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, sau khi làm vệ sinh cho trẻ... Rửa tay phải đúng như khuyến cáo, nếu 9 lần rửa đúng nhưng chỉ một lần không rửa thì nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ rất cao và 9 lần kia trở thành vô ích.

Ăn uống sạch tức là ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn uống sạch không chỉ phòng chống bệnh tay chân miệng mà là khuyến cáo cần thiết cho mọi người nhằm bảo vệ sức khỏe. Ăn, uống sạch vừa phòng chống được các bệnh lây qua đường tiêu hóa, vừa phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Ở sạch cũng rất quan trọng. Bàn tay thường xuyên tiếp xúc với môi trường xung quanh, nhất là bề mặt và các vật tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, cầu thang, tay nắm cửa, bàn ghế, sàn nhà... Vì vậy các bề mặt này phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn, nhất là ở những nơi có ca bệnh, có dịch đang xảy ra.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có các biểu hiện bệnh thì phải đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, đến khi có biểu hiện nặng mới đưa đến bệnh viện.

VINH QUANG - YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/300919/-3-sach--de-khong-con-noi-lo-ve-benh-tay-chan-mieng.html