3 sản phẩm Việt vẫn phải chịu biện pháp kiểm soát chính thức của EU
Ba sản phẩm tiếp tục phải chịu biện pháp kiểm soát chính thức gồm ớt chuông với tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%; đậu bắp tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%; quả thanh long là 20%.
Ngày 13/6, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, về việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.
Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo từ Ban thư ký Ủy ban SPS/WTO số G/SPS/N/EU/641 ngày 9/6/2023 của Liên minh châu Âu thông báo Quy định thực thi số (EU) 2023/1110 ngày 6/6/2023 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào Liên minh thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng.
Đối với sản phẩm mỳ ăn liền có chứa gia vị/bột nêm hoặc nước sốt từ Việt Nam, đã phải chịu mức độ kiểm soát chính thức gia tăng và các điều kiện đặc biệt khi gia nhập Liên minh do nguy cơ nhiễm ethylene oxide kể từ tháng 12/2021.
Các biện pháp kiểm soát chính thức được thực hiện bởi các quốc gia thành viên cho thấy những tiến bộ trong việc tuân thủ các yêu cầu liên quan được quy định trong pháp luật của Liên minh.
Kết quả của những biện pháp kiểm soát đó cung cấp bằng chứng rằng việc đưa những thực phẩm đó vào Liên minh châu Âu không tạo ra rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Do đó, không cần thiết phải tiếp tục quy định rằng mỗi lô hàng phải được kèm theo một giấy chứng nhận chính thức nêu rõ rằng tất cả các kết quả lấy mẫu và phân tích cho thấy tuân thủ Quy định (EC) số 396/2005. Đồng thời, các quốc gia thành viên nên tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chính thức để đảm bảo rằng mức độ tuân thủ hiện tại sẽ được duy trì. Sản phẩm mỳ ăn liền có chứa gia vị/bột nêm hoặc nước sốt từ Việt Nam tại Điểm 1, Phụ lục II của Quy định thực thi (EU) 2019/1793 được hủy bỏ và chuyển sang Phụ lục I của Quy định với tần suất kiểm tra được đặt ở mức 20% các lô hàng mỳ ăn liền vào Liên minh châu Âu.
Có 3 sản phẩm tiếp tục phải chịu biện pháp kiểm soát chính thức bao gồm ớt chuông, đậu bắp và quả thanh long. Cụ thể, ớt chuông tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%; đậu bắp tần suất kiểm tra được đặt ở mức 50%; quả thanh long là 20%.
EU bắt đầu áp dụng quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam từ ngày 1/1/2022. Chỉ sáu tháng sau đó, EU đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và hiện tại, sau 18 tháng kể từ thời điểm trên, mỳ ăn liền đã được chuyển từ mặt hàng thuộc diện xem xét Phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang Phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu).
Quyết định này là một sự ghi nhận đối với Bộ Công Thương nước ta trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, Trần Ngọc Quân, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền.
Nếu trong sáu tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại Phụ lục II.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia nổi tiếng sản xuất mỳ ăn liền, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Xứ sở Kim chi vẫn chưa thành công thuyết phục EU bỏ giám sát chất lượng và hiện nay vẫn nằm ở Phụ lục I với tần suất kiểm tra 20% như Việt Nam./.