3 triệu euro ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Chương trình Hành động khí hậu Flanders đã hỗ trợ 69 dự án toàn cầu, trong đó có 5 dự án ở Việt Nam. Chính quyền Flanders cam kết đầu tư gần 3 triệu Euro vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Chương trình tập trung vào ba nguyên tắc: quan hệ đối tác bền vững, ứng dụng công nghệ đổi mới, và hành động thực tiễn nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông tin được bà Cieltje Van Achter, Bộ trưởng phụ trách về Brussels và Truyền thông vùng Flanders, cho biết tại hội thảo "Việt Nam- Flanders: Thúc đẩy hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu" do Cục Xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders (Vương quốc Bỉ) phối hợp với Viện Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức chiều 3/4/2025.

Việt Nam đang phải đối mặt với các tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2021), nếu không có hành động kịp thời, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất từ 3-5% GDP mỗi năm vào năm 2050. Đồng bằng sông Cửu Long, một vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của Việt Nam, đang chịu đe dọa nghiêm trọng bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất (RCP 8.5), nhiệt độ có thể tăng từ 3-4 độ C vào cuối thế kỷ 21, đồng thời mực nước biển có thể dâng tới 100 cm vào năm 2100, gây nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng cho khu vực này và TP. Hồ Chí Minh. Để ứng phó, Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Chiến lược Quốc gia về biến đổi Khí hậu.

Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu cho rằng tài chính khí hậu đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các chiến lược ứng phó. Hiện nay, nguồn tài chính cho lĩnh vực này chủ yếu đến từ các quỹ đa phương như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), các ngân hàng phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cùng với các chương trình hợp tác song phương từ JICA (Nhật Bản), GIZ (Đức) và KOICA (Hàn Quốc).

Khu vực tư nhân cũng đang gia tăng sự tham gia, mặc dù còn ở mức hạn chế, trong khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì đầu tư công để hỗ trợ các dự án khí hậu.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước chiếm từ 16-21% tổng tài chính khí hậu, trong khi ODA tăng mạnh, với mức tăng 40% dành cho đồng bằng sông Cửu Long và 15% cho các khu vực ven biển. Các lĩnh vực được phân bổ tài chính nhiều nhất là năng lượng (44%), giao thông bền vững (29%), và nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước (15%). Một số dự án đáng chú ý bao gồm phát triển điện mặt trời tại Ninh Thuận, giúp giảm 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm và tạo việc làm cũng như dự án phục hồi rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc huy động và sử dụng tài chính khí hậu hiệu quả.

Chia sẻ điều này, Bộ trưởng phụ trách về Brussels và Truyền thông vùng Flanders, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã trở thành thực tế cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực từ tổ chức đô thị, sản xuất lương thực đến giao thông. Chính quyền Flanders đã và đang tích cực hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam, nhằm triển khai các dự án công nghệ và mô hình thích ứng với khí hậu.

Chương trình Hành động khí hậu Flanders đã hỗ trợ 69 dự án toàn cầu, trong đó có 5 dự án tại Việt Nam. Chính quyền Flanders cam kết đầu tư gần 3 triệu Euro vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam huy động thêm nguồn vốn từ các đối tác khác để gia tăng tác động của các dự án. Chương trình tập trung vào ba nguyên tắc cơ bản: quan hệ đối tác bền vững, ứng dụng công nghệ đổi mới, và hành động thực tiễn nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Còn theo đại diện Cục Xúc tiến đầu tư và thương mại vùng Flanders, tại Bỉ, chính phủ đã thông qua một thỏa thuận hợp tác giữa các cấp chính quyền, trong đó vùng Flanders cam kết đóng góp 68 triệu euro trong giai đoạn 2021-2024 thông qua Chương trình Hành động Khí hậu Quốc tế Flanders.

Theo đó, các dự án trong khuôn khổ chương trình tập trung vào hành động khí hậu, bao gồm cả giảm phát thải lẫn thích ứng với biến đổi khí hậu. Có bảy lĩnh vực tác động lớn đến khí hậu gồm: nước, năng lượng, giáo dục, nông nghiệp, đa dạng sinh học, giao thông và hỗ trợ chính sách... sẽ được chương trình ưu tiên hỗ trợ, hợp tác.

Tùng Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/3-trieu-euro-ung-pho-bien-doi-khi-hau-tai-viet-nam.htm