Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ khiến những ngành công nghiệp nào của Việt Nam bị 'rung lắc'?

Việc Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là những ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, gỗ, nội thất,...

Tại cuộc Họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 4/4, ông Nguyễn Ngọc Thành, Cục phó Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Việc Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là những ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, gỗ, nội thất,...

Một số ý kiến cho rằng, trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam có thể ảnh hưởng mạnh đến xuất nhập khẩu, từ đó tác động tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

 Việc Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là những ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, gỗ, nội thất. (Ảnh: ST)

Việc Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là những ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, gỗ, nội thất. (Ảnh: ST)

Về vấn đề này, ông Thành cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, ngành công nghiệp đạt 9,3%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải đạt 2 con số. Ở thời điểm hiện tại, Cục phó Cục Công Nghiệp cho biết, Chính phủ và ngành Công Thương chưa có ý định thay đổi mục tiêu tăng trưởng này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chính phủ và các bộ, ngành đang rất khẩn trương chuẩn bị nhằm đẩy mạnh đàm phán để giảm nhẹ nhất tác động. Trong trường hợp, chính sách thuế của Mỹ không có gì thay đổi so với hiện nay, có thể phải xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Cùng đó, Bộ Công Thương đang tính đến việc phối hợp với các bộ, ngành nhằm xây dựng tín dụng ưu đãi thấp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất; kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng để tiêu thụ sản phẩm trong nước và những dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo như: Dự án chế biến nông sản, dự án về bauxite ở Tây Nguyên…

Đó là những giải pháp trước mắt, song song, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai những giải pháp dài hạn, căn cơ để chủ động vượt qua khó khăn. Trong đó, Việt Nam đã có 17 hiệp định thương mại tự do với 60 quốc gia, đây là cơ hội tốt để đa dạng hóa thị trường.

Cùng đó, đẩy nhanh đàm phán nhằm khơi mở thị trường mới, như thị trường các nước Trung Đông, Nam Á, Mỹ Latinh… Cải thiện hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường nước ngoài.

“Những giải pháp trên không phải chỉ được thực hiện khi xảy ra tình huống Mỹ áp thuế mà đây là định hướng lâu dài đã và đang được Bộ Công Thương triển khai”, lãnh đạo Cục Công nghiệp một lần nữa nhấn mạnh.

 Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ. (Ảnh: Việt Vũ)

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ. (Ảnh: Việt Vũ)

Tại buổi họp báo, thông tin thêm về lĩnh vực công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhìn nhận, phát triển sản xuất công nghiệp gặp nhiều thách thức và chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu đã đặt ra.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, có thể thấy có nhiều cơ hội cho ngành phát triển. Việc thực hiện Nghị quyết 18 giúp giảm đáng kể đầu mối, thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp trong triển khai các thủ tục. Hơn nữa, các địa phương sáp nhập tạo nhiều dư địa cho phát triển.

“Đặc biệt là tập trung phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo - đây là đòn bẩy cho phát triển ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hơn nữa, ngay cả trường hợp Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, nếu phân tích kỹ vẫn còn những cơ hội cho những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-sach-thue-moi-cua-hoa-ky-khien-nhung-nganh-cong-nghiep-nao-cua-viet-nam-bi-rung-lac-post341482.html