3 tuyến cao tốc mới phía Nam: Đầu tư công nhưng quản lý tư
Theo các chuyên gia, việc giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần pháp luật hiện hành đã cho phép.
“Các dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trường hợp Nhà nước có nguồn lực lớn thì việc đầu tư công cũng là một giải pháp.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nên áp dụng chính sách PPP. Tức đầu tư công nhưng quản lý tư…”. Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông, nhận định như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc Bộ GTVT đề xuất đầu tư công ba dự án cao tốc phía Nam.
Sau khi hoàn thành nên giao tư nhân quản lý, vận hành
Theo ông Chủng, hiện một số quốc gia giàu có như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… cũng đầu tư công nhưng quản lý, vận hành giao cho tư nhân. Vì trong vận hành, quản lý có nhiều nội dung, chẳng hạn như thu hồi vốn, quản lý an toàn giao thông, bảo trì…
“Lâu nay chúng ta cứ gọi là nhượng quyền thu phí là chưa chính xác. Vì giao cho tư nhân một dự án cao tốc không chỉ có thu hồi vốn mà còn nhiều công việc như tôi nói ở trên, nó không giống như các dự án BOT trên quốc lộ 1. Hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách này” - ông Chủng nói.
Về việc giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần, ông Chủng khẳng định pháp luật hiện hành đã cho phép. Theo đó, các chủ đầu tư phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Chẳng hạn như năng lực, kinh nghiệm, bởi chủ đầu tư thường phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn như tổ chức thiết kế, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, nghiệm thu bàn giao…
“Dự án đường bộ cao tốc là cấp đặc biệt nên yêu cầu đối với các chủ đầu tư sẽ rất cao. Hiện tôi thấy có Hà Nội, TP.HCM đủ điều kiện để đảm nhận vai trò chủ đầu tư dự án trọng điểm quốc gia…” - ông Chủng nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông cũng khẳng định để dự án giao thông hoàn thành đúng tiến độ thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là vô cùng quan trọng. Vì GPMB chậm còn ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư của dự án.
Hiện Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đang đề xuất Chính phủ tách phần GPMB thành dự án độc lập, nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bàn giao đất sạch để chủ đầu tư tổ chức triển khai thi công.
Tuy nhiên, ông Chủng cũng nhìn nhận vấn đề GPMB luôn là thách thức đối với địa phương. Người dân ủng hộ sẽ tạo điều kiện lớn để bàn giao đất và bảo vệ dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác. “Vì vậy, các tỉnh được giao nhiệm vụ này cũng cần phải hiểu để tạo sự đồng thuận với người dân và có trách nhiệm cao hơn trong công tác này” - ông Chủng nói.
Quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, qua việc đầu tư công vào các đường cao tốc, vành đai, cần thấy rõ Nhà nước nên quy định cụ thể là cấp đường nào thì ai đầu tư. Ví dụ, đường cao tốc, đường trục, vành đai thì Nhà nước đầu tư; đường nội đô, đường TP thì địa phương đầu tư… Ông Cương cũng bày tỏ sự khó hiểu khi khu vực phía Nam việc đầu tư cao tốc còn rất chậm.
Chẳng hạn, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công bao nhiêu năm đến nay chưa xong, vẫn còn rất ì ạch. Việt Nam cần phải học tập nước ngoài, họ làm đường cao tốc nhanh “rất dứt điểm”, còn mình làm dự án cứ chậm vài năm, vài chục năm.
Một thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH), để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Trong đó xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong ngắn hạn cũng như dài hạn, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ quốc gia là phù hợp.
Việc triển khai ba dự án đường bộ cao tốc này mục tiêu ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa trong nước và mục tiêu dài hạn nhằm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng. Do vậy, hầu hết thành viên hội đồng thẩm định đều thông qua sự cần thiết và cấp thiết đầu tư các dự án này, tuy nhiên vấn đề cần làm rõ là nguồn vốn đầu tư.
“Với ngân sách hiện nay cần phải chứng minh được nguồn tiền để đầu tư dự án, có tiền thì dự án mới triển khai nhanh và đúng tiến độ. Còn nếu những khoản tiền còn thiếu chưa có kế hoạch bù đắp hoặc gặp rủi ro sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và không đạt mục tiêu đề ra” - vị này nói.•
Sẽ thu hồi vốn nhà nước
Theo Bộ GTVT, sau khi hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc sẽ nhượng quyền khai thác cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn đầu tư. Do vậy, việc chuyển sang hình thức đầu tư công phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng.
“Thay vì huy động nguồn lực xã hội ngay từ đầu, chưa bảo đảm chắc chắn sự thành công, tiềm ẩn nhiều rủi ro kéo dài tiến độ thực hiện, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi KT-XH và các nguồn vốn cần thiết khác để hoàn thành dự án. Sau đó đề xuất thu hồi vốn nhà nước để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thực hiện tái đầu tư các dự án giai đoạn tiếp theo” - Bộ GTVT cho hay.
Cũng theo Bộ GTVT, hiện nay bộ đã nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để thu hút nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển đường bộ cao tốc, bao gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Đến nay, phương án thu hồi vốn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện dự án, sau khi phương án thu hồi vốn đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận, dự án cũng sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để thực hiện chủ trương chung nêu trên…” - Bộ GTVT thông tin thêm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/3-tuyen-cao-toc-moi-phia-nam-dau-tu-cong-nhung-quan-ly-tu-post678787.html