3 vấn đề được quan tâm tại COP26

Các kỳ vọng và thách thức đã được chỉ ra với Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26) - nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận về cách các quốc gia của họ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính góp phần vào biến đổi khí hậu - khai mạc hôm 31/10 tại Glasgow.

Một tác phẩm nghệ thuật bằng cát khổng lồ tại bãi biển New Brighton, Merseyside, Tây Bắc nước Anh, hướng đến Hội nghị khí hậu COP26. Ảnh: Getty Images

Một tác phẩm nghệ thuật bằng cát khổng lồ tại bãi biển New Brighton, Merseyside, Tây Bắc nước Anh, hướng đến Hội nghị khí hậu COP26. Ảnh: Getty Images

Tham vọng “1,5 độ C”

Tại Hội nghị khí hậu Paris năm 2015, các nước đã đồng ý làm việc để giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, với mục tiêu cụ thể là 1,5 độ C. Nếu COP21 tại thủ đô của Pháp năm đó là thỏa thuận về một hạn định, thì COP26 tại TP Glasgow, Scotland, sẽ là việc xem xét các quá trình hành động và điều chỉnh lộ trình phù hợp cho hạn định đó. Tuy nhiên, các quốc gia đang được cảnh báo vẫn chưa đi đúng hướng. Năm nay, các nước sẽ phải báo cáo kế hoạch hành động mới - được gọi là Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC).

Theo thống kê mới nhất của Liên Hợp quốc về tất cả các NDC được đệ trình trước Hội nghị thượng đỉnh ở TP Glasgow, thế giới đang trên một lộ trình bị ấm lên 2,7 độ C, dẫn đến mức biến đổi khí hậu nguy hiểm vào cuối thế kỷ này. Do đó, mọi sự chú ý đã đổ dồn vào cuộc họp của G20, diễn ra tại Rome từ ngày 30 - 31/10, ngay trước khi COP26 bắt đầu. Trong khi 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới là nhóm các nước đang chiếm gần 80% lượng khí thải toàn cầu, một số quốc gia G20 chủ chốt vẫn chưa đệ trình NDC của họ, bao gồm cả Ấn Độ. Brazil, Mexico, Australia và Nga - các nước đã đệ trình những kế hoạch được cho là không phù hợp với Thỏa thuận Paris.

Trong khi đó, Trung Quốc - cùng với Mỹ, đang là hai quốc gia gây ô nhiễm carbon lớn nhất thế giới - đặt mục tiêu đầy tham vọng cho nền kinh tế của mình là đạt “trung hòa carbon” trước năm 2060, nhưng đồng thời cũng đã chống lại áp lực tăng cường các tham vọng trong ngắn hạn. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng mục tiêu nhiệt độ nền tảng trong Thỏa thuận Paris năm 2015 là “dưới 2 độ C”, do đó mục tiêu 1,5 độ C hoàn toàn có thể chỉ là “mong muốn”. Tại Mỹ, sự phản đối từ trong đảng nhà đã buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phải hủy bỏ một kế hoạch khuyến khích các công ty chuyển sang các nguồn điện sạch hơn nhanh hơn. Khi “kế hoạch A” của ông Biden về cách Mỹ đạt được mục tiêu phát thải vào năm 2030 được cho là đang gặp trục trặc, thế giới thực sự mong chờ chi tiết các kế hoạch B, C, D… khác ở Glasgow. Hơn hết, những cái “gật đầu ngầm” đồng thuận giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng chính sách ngoại giao khéo léo của Pháp, được tin là yếu tố then chốt để đạt được Thỏa thuận khí hậu Paris vào năm 2015. 6 năm sau, liệu những cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các bên có nguy cơ làm sụp đổ những gì từng là đỉnh cao của một quá trình nỗ lực không tưởng?

Ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lên đường sang Vương quốc Anh, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị COP26. Theo NDC cập nhật, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Cụ thể là giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương; tiếp tục giảm mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045; nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ảnh hưởng đáng kể trong nhóm các nước đang phát triển và là nước có phát thải khí nhà kính hàng năm đứng thứ 21 trên thế giới. Vì vậy, cam kết của Việt Nam được xem sẽ có tác động quan trọng cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tham gia, thúc đẩy các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26 lần này, nhất là Tuyên bố toàn cầu về Chuyển đổi từ điện than sang điện sạch của Anh và Cam kết giảm phát thải khí metan của Mỹ.

Thị trường carbon

Một nhiệm vụ còn sót lại từ Hội nghị Paris 2015 chính là việc thiết lập các quy tắc cho thị trường carbon, đặc biệt là cách các quốc gia có thể trao đổi, mua bán hạn mức phát thải carbon với nhau, hoặc giữa chính phủ và công ty tư nhân. Các thị trường carbon theo quy định hiện đã được manh nha xây dựng, từ Trung Quốc đến Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, các quy tắc minh bạch được cho là cần thiết để đảm bảo rằng các thị trường carbon thực sự làm giảm lượng khí thải, đồng thời cung cấp nguồn thu cho các nước đang phát triển để bảo vệ tài nguyên của họ. Nếu làm đúng, thị trường carbon có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi về “phát thải ròng bằng 0”. Nhưng nếu nó được thực hiện một cách thiếu sót, tồi tệ, hậu quả sẽ là sự giảm sút niềm tin vào những cam kết của các chính phủ và DN. Liên quan đến vấn đề này, việc xác định cách các quốc gia đo lường và báo cáo mức giảm phát thải của họ được tin là sẽ góp phần vào mức độ minh bạch của các quốc gia với nhau. Đây cũng là điều cơ bản để loại trừ các hoạt động “rửa xanh”. Tài chính khí hậu
Cho đến cùng, nền tảng cho sự tiến bộ của tất cả các vấn đề đều là tài chính. Các nước đang phát triển cần sự giúp đỡ để phát triển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vào năm 2009 và một lần nữa là vào năm 2015, các quốc gia giàu có hơn trên thế giới đã đồng ý cung cấp 100 tỷ USD/năm cho tài chính khí hậu của các quốc gia đang phát triển vào năm 2020, nhưng mục tiêu này vẫn chưa đạt được.
Vương quốc Anh - chủ nhà của COP26 - dự kiến tiết lộ một kế hoạch tài chính khí hậu, do Đức và Canada làm trung gian, sẽ thiết lập một quy trình để tính toán và thống nhất về những gì cần làm trong 100 tỷ USD/năm, nhưng ước tính vẫn phải mất đến năm 2023 để đạt được con số đó.
Mặc dù có thể xem đây là một bước tiến, nhưng thực tế này cũng không tránh khỏi phản ứng bất bình từ các nước đang phát triển - những quốc gia hiện phải đáp ứng chi phí thích ứng lớn do chi phí toàn cầu bởi tác động khí hậu gia tăng, bao gồm từ các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt, các trận cuồng phong, lốc xoáy và bão ngày một dữ dội. Tương tự như việc triển khai vaccine Covid-19 toàn cầu thời gian qua, các nước đang phát triển lo ngại liệu họ có đang bị chậm lại trong một giai đoạn phân hóa kinh tế mới bởi phí tổn môi trường.
Ngoài chi phí giảm thiểu và thích ứng là câu hỏi về mất mát (loss) và thiệt hại (damage) - những thuật ngữ để chỉ những thiệt hại mà các quốc gia ít đóng góp vào biến đổi khí hậu trong quá khứ phải chịu lúc này và trách nhiệm đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu do lượng khí thải lịch sử của họ. Những cuộc đàm phán về sự công bằng này được cho đang tiến gần đến giai đoạn mấu chốt, khi mà tổn thất đang ngày một tăng lên.
Bên cạnh nguồn tài chính khí hậu công do các chính phủ cung cấp, COP26 được mong đợi sẽ chứng kiến những cam kết lớn từ các nguồn tài chính tư nhân - công ty bảo hiểm, ngân hàng, các tổ chức từ thiện - với kế hoạch “phát thải ròng bằng 0” của riêng họ. Điều này có thể bao gồm cả việc chấm dứt tài chính và đầu tư vào các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, đồng thời gia tăng tài trợ cho các nỗ lực quan trọng để đẩy nhanh tiến độ.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/3-van-de-duoc-quan-tam-tai-cop26-439531.html