30 đơn vị du lịch ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã
Đại diện 30 công ty du lịch, lữ hành và tổ chức du lịch bảo tồn đã ký cam kết ủng hộ du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã sau khi kết thúc hội thảo 'Du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã' do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm (RTC) vừa tổ chức tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Cụ thể, 34 đại diện đến từ 30 công ty lữ hành, du lịch tại khu vực TP.HCM, Ninh Bình và Đà Nẵng đã cùng ký cam kết với những nội dung, gồm: Tôn trọng thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa địa phương trong các hoạt động kinh doanh du lịch; Không khai thác, sử dụng, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ, quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp từ động vật hoang dã; Xây dựng và thực hành Bộ quy tắc ứng xử về du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và coi đây là văn hóa doanh nghiệp, tổ chức; Thúc đẩy hợp tác với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong việc thiết kế, xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, du lịch có trách nhiệm; Tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch có trách nhiệm cho các đối tác liên quan, đội ngũ nhân viên, khách du lịch, cộng đồng địa phương và công chúng nói chung; Nỗ lực tham gia hoạt động của các mạng lưới, tổ chức du lịch có trách nhiệm và lan tỏa tinh thần phát triển du lịch Việt Nam bền vững vì Người Việt và Dân tộc Việt.
Được biết du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc hạng cao nhất thế giới với khoảng 22,7% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2019. Năm 2019, Việt Nam có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 lượt khách nội địa. Trong đó, du lịch gắn với trải nghiệm thiên nhiên và khám phá thế giới động vật hoang dã ngày càng phát triển và trở thành xu hướng du lịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực về kinh tế và phát triển sinh kế cộng đồng địa phương, ngành du lịch cũng tác động tiêu cực đến môi trường, thiên nhiên và tài nguyên động vật hoang dã.
Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới (WAP) cảnh báo hiện có tới hơn 500.000 động vật hoang dã trên thế giới bao gồm voi, lười, hổ và cá heo đang bị bóc lột vì du lịch giải trí [1]. Những tác động đến cảnh quan thiên nhiên và thế giới động vật không chỉ dừng lại do du lịch bóc lột động vật hoang dã, do sự phát triển của du lịch đại trà, thiếu kiểm soát hay quá ngưỡng chịu tải mà còn có thể đến từ nhu cầu của khách du lịch đối với các “sản vật lạ” của địa phương bao gồm thực phẩm, thuốc chữa bệnh và đồ trang sức có nguồn gốc bất hợp pháp từ động vật hoang dã. Điều này, dù xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của đơn vị lữ hành, du lịch, du khách hay sự cố ý vi phạm của họ cũng dẫn đến những hậu quả đối với giới tự nhiên.
Số liệu công bố tại hội thảo về nghiên cứu thị trường ngà voi bất hợp pháp tại Việt Nam, cụ thể là tại các điểm Hạ Long, Móng Cái (Quảng Ninh); Bản Đôn, Lắk (Đắk Lắk); làng Nhị Khê (Hà Nội), Báo cáo năm 2018 của Traffic [2] phát hiện khách du lịch Trung Quốc là đối tượng chủ yếu mua ngà voi và các sản phẩm từ ngà. Một nghiên cứu khác trước đó của Traffic năm 2014 cho biết khách hàng mua nhiều lần lượt là người Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan), Thái Lan, Việt Nam, Việt kiều Mỹ và một số người châu Âu.
Việc vô ý hay cố tình tiếp tay hoặc nhắm mắt bỏ qua các hành vi tiêu dùng động vật hoang dã, xâm hại tự nhiên của du khách vì lợi nhuận của các cá nhân, đơn vị hoạt động du lịch rốt cục đều có tác động tiêu cực đối với tự nhiên và lâu dài là đối với chính uy tín và lợi ích của các đơn vị du lịch, nơi khai thác lợi nhuận dựa vào vẻ đẹp của tự nhiên. Chính vì vậy, các doanh nghiệp tham gia hội thảo đều đồng ý rằng việc xây dựng định hướng và chiến lược phát triển du lịch cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn nhằm góp phần giảm rủi ro đối với các đơn vị lữ hành, du lịch, đồng thời bảo tồn được các giá trị thiên nhiên và môi trường của Việt Nam - yếu tố hồn cốt để phát triển du lịch Việt.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về mối quan hệ mật thiết giữa du lịch và thiên nhiên, sự tồn tại của buôn bán động vật hoang dã trong hoạt động du lịch, định hướng và việc thực hành phát triển du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và động vật hoang dã, cách thức truyền thông thay đổi hành vi về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong ngành du lịch.
Đánh giá về sự kiện ký cam kết, ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết Vườn quốc gia Cát Tiên là điểm nóng về đa dạng sinh học với mức độ rất đa dạng, phong phú về các hệ sinh thái, các loài động – thực vật quý, hiếm và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đây là một trong số các yếu tố rất quan trọng, tiền đề để thúc đẩy du lịch sinh thái.
"Chúng tôi đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, công ty du lịch đối với du lịch có trách nhiệm, gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và vì một tương lai xanh của Việt Nam", ông Lượng chia sẻ.
Trong khi đó bà Trương Thị Hiền, Chủ tịch Câu lạc bộ RTC, cho rằng tham gia hội thảo là cơ hội quý để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành được hiểu tổng quan về các vấn đề xung quanh vấn đề bảo tồn nhiên nhiên và động vật hoang dã, đặc biệt là thông qua thực địa tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Theo bà Hiền thì RTC và PanNature đã kết nối các doanh nghiệp đã thực hành du lịch có trách nhiệm và các doanh nghiệp mới đang bước đầu tìm hiểu về định hướng du lịch này để cùng nhau chia sẻ và tìm định hướng tốt hơn cho sản phẩm, dịch vụ và truyền thông của đơn vị mình.
"Sự cam kết của các doanh nghiệp sau sự kiện đã phần nào đáp ứng kỳ vọng bước đầu của chúng tôi. RTC mong muốn có cơ hội được tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã hiệu quả trong hoạt động du lịch”, bà Hiền khẳng định.
Danh sách các tổ chức/doanh nghiệp ký cam kết ủng hộ du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã:
1. Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai
2. Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Bình Phước
3. Trung tâm Sinh thái – Văn hóa – Lịch sử chiến khu Đ, Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai
4. Trung tâm Dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, Vườn quốc gia Yok Đôn
5. Nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam
6. Công ty Du lịch Dấu Chân (Footprint Travel)
7. Đại diện Tổ chức du lịch và dịch vụ Tràng An - Vân Long, Ninh Bình
8. Công ty TNHH MTV Sinh thái du lịch hoang dã và con người (Wildlife and People Ecotour - WAP Ecotour Co.ltd)
9. Công Ty TNHH Du lịch Trần Việt (TRANSVIET Travel)
10. Công ty CP Dịch vụ du lịch BếnThành (BenThanh Tourist)
11. Công ty Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel)
12. Công ty TNHH Du lịch và sự kiện Viet Dynamic
13. Công ty TNHH Du lịch PHD
14. Công ty Du lịch lữ hành Tripee, Đà Lạt, Lâm Đồng
15. Farm Madabay, Mã Đà, Vĩnh Cửu, Đồng Nai
16. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Bãi Biển Vàng (Golden Beach Tourist)
17. Công ty CP Thương mại Dịch vụ SaiGon Land Travel
18. Công ty CP Chim Cánh Cụt Travel Service
19. Công ty CP Đầu tư Phát triển Du lịch Bảo Long, Bến Tre
20. Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch đô thị Trường An
21. Công ty TNHH Du lichj Scivi Travel
22. Công ty TNHH Miền Á Đông (Easia Travel)
23. Công ty TNHH Dịch vụ Nghiên cứu và Du Lịch Hoang Dã (Wildtour)
24. Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tik Tok Travel
25. Trung tâm Huấn luyện & Hướng Dẫn Du lịch Saigon PRO Guides
26. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OAT Việt Nam
27. Công ty TNHH New Horizon Adventures
28. Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Authentik Vietnam Travel
29. Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Vàng (Golden Transport)
30. Mạng lưới Du lịch trách nhiệm (RTC)
Trọng Văn
[1] https://wild.com.au/news/world-expeditions-add-weight-fight-wildlife-cruelty-tourism/
[2]Traffic, 2018. From Tusk to Trinket. https://www.traffic.org/publications/reports/from-tusk-to-trinket/